Vừa nhìn video, Nam, nhân viên văn phòng, ở quận Cầu Giấy, vừa cùng vợ bắt chước thực hiện. Anh đứng sau lưng vợ, hai tay vòng từ sau đầu xuống eo, sau đó giật mạnh để tạo tiếng kêu "rắc". Người hướng dẫn nhấn mạnh phải hít sâu, thả lỏng rồi thở mạnh. Nghĩ mình tác động chưa đủ lực, anh thử lại lần hai. Chưa đầy 30 giây, anh phải dừng lại vì vợ nói bị căng cơ và chuột rút.
Không chỉ Nam, nhiều người phản hồi dưới video là họ đã làm theo hướng dẫn và đều bị đau, có thể do sai kỹ thuật. Nhưng một số người khác tán thành, cho rằng đây là phương pháp hiệu quả, không cần phẫu thuật hay đi viện, "chỉ một vài buổi là hết đau mỏi xương khớp".
Hôm 15/5, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A (TP HCM), ghi nhận một bệnh nhân bị gãy xương sườn số 12 sau hai buổi đi bấm huyệt, bẻ khớp.
Trước đó, bà Xuân, 50 tuổi, thấy mệt mỏi, đau lưng, được người quen giới thiệu đến một cơ sở tại TP Thủ Đức, cho biết "một liệu trình là hết đau mỏi không cần đi viện". Trong lúc thực hiện, bệnh nhân đau nhói ở vùng thắt lưng phải nhưng nhân viên nói "không sao" và tiếp tục bẻ khớp.
Sau buổi thứ hai, người phụ nữ đau nhiều hơn, không đi lại được, khó thở, mệt mỏi, khám tại Bệnh viện 1A. Để điều trị gãy xương, người bệnh phải laser và dùng thuốc giảm đau tại chỗ. Sau 15 phút, bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại được. Người bệnh được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, kết hợp nghỉ ngơi, hạn chế cử động vùng thân trong một tháng để xương sườn lành. Sau khi ổn định, bà tiếp tục chữa đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết nắn chỉnh, bẻ khớp hay còn gọi là Chiropractice - kỹ thuật điều trị khá phổ biến để massage, thư giãn nhưng đang bị đẩy lên thái quá. Nhiều người cho rằng nắn chỉnh khớp phải phát ra tiếng kêu "rắc rắc" mới hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh, hơn nửa số người nắn khớp sẽ không kêu và có phản ứng như các bệnh nhân trong các video trên mạng xã hội. Chưa kể, không có phương pháp điều trị cơ xương khớp nào bắt buộc người bệnh phải tiếp xúc cơ thể trực tiếp với bác sĩ như ôm eo, áp sát người, "rất phản cảm".
Tại bệnh viện, trước khi can thiệp, bệnh nhân phải kiểm tra và chụp X-quang, đảm bảo cột sống không có vấn đề. Trường hợp nứt, hẹp đốt sống, nếu cố tình nắn chỉnh dễ dẫn đến liệt tủy, tứ chi, bàng quang, sinh dục, thậm chí tử vong. Khi nắn chỉnh, người bệnh được nắn chỉnh khớp từ đầu đến chân để thư giãn hoặc điều trị bệnh nhân viêm dính khớp giai đoạn sớm. Trường hợp khớp lâu ngày không vận động cũng được nắn chỉnh để tăng biên độ vận động.
"Phương pháp này không dùng để điều trị đau do lệch vẹo cơ học hay thoát vị đĩa đệm bởi ít hoặc không có tác dụng trong chỉnh dáng hình thể", bác sĩ Trịnh nói, thêm rằng việc tự ý bẻ khớp (thực hiện ở các cơ sở massage, nhân viên không được đào tạo chính quy), có thể khiến khớp bị tổn thương, lâu dần phát triển thành thoái hóa, viêm khớp hoặc thoát vị đĩa đệm.
Cùng quan điểm, bác sĩ Bùi Đức Ngọt, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, cho biết đây không phải phương pháp điều trị chính thống mà chỉ là massage, xoa bóp thư giãn. Ngoài ra, họ thực hiện chủ yếu trên người bình thường, không có bệnh lý. Nguyên nhân khiến người dân dễ tin vào chiêu trò này là do tâm lý chọn phương pháp điều trị không xâm lấn, không phẫu thuật.
Theo ông Ngọt, phương pháp này đem lại cảm giác thoải mái, tăng cường lưu thông, song về lâu dài có thể dẫn đến tổn thương chấn thương, khiến khớp thoái hóa, hỏng. Nếu tác động mạnh, có thể gây sang chấn từ nhẹ đến nặng như bong gân, giãn dây chằng, mạnh hơn là đứt, tổn thương cơ nặng, đôi khi gãy xương.
Nhiều người lầm tưởng tiếng kêu "rắc" trong quá trình massage là do xương di chuyển hoặc va vào nhau tạo tiếng kêu. Thực chất, tiếng kêu này là do các bọt khí sinh ra ở trong màng hoạt dịch khớp cũng như sự dịch chuyển đột ngột của gân và dây chằng. Một số trường hợp thoái hóa khớp với sụn khớp bị mòn cũng sinh ra tiếng kêu tương tự.
Theo các bác sĩ của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, thao tác với lực mạnh lên cổ rất nguy hiểm. Tiến sĩ Ramin Jahavery, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng và Phụ nữ Miller, cho biết các thao tác nắn chỉnh cổ nguy hiểm hơn so với nắn chỉnh cột sống ngực và thắt lưng. Khi một người xoay cổ sang hai bên quá mạnh có thể dẫn đến đau đầu, hoa mắt và chóng mặt, thậm chí yếu, tê hoặc liệt một bên.
Tờ New York Times dẫn chứng một trường hợp, nữ 28 tuổi, bị chóng mặt và buồn nôn sau khi một bác sĩ chỉnh hình nắn bóp cổ. Bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị rách 4 mạch máu, dẫn đến đột quỵ và ngừng tim. 9 tháng sau, cô nói được trở lại, nhưng chưa thể đi lại hay nuốt. Phần bên phải của cơ thể bị liệt do chấn thương.
Bác sĩ khuyến cáo nên tỉnh táo lựa chọn bệnh viện uy tín để điều trị, tránh tiền mất, tật mang. Ngoài nắn chỉnh, cơn đau nhức mỏi xương khớp có thể được khắc phục bằng xoa bóp, vật lý trị liệu, châm cứu, tập yoga.
Người cao tuổi hoặc có bệnh lý xương khớp nên trao đổi với bác sĩ để có liệu trình phù hợp. Khi cơ thể có bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời. Tuyệt đối không tự ý chữa tại nhà hay tin theo phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi