"Đã vài ngày đã trôi qua sau trận lũ quét và những thi thể mắc kẹt bắt đầu phân hủy", Ahmed Zouiten, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Libya, ngày 14/9 cho hay. "Đây sẽ là một thảm họa về môi trường".
Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya ngày 14/9 cho biết 11.300 người được xác nhận đã thiệt mạng trong thảm họa. 10.100 người được báo cáo mất tích, có thể đang bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát, hoặc bị dòng lũ cuốn ra biển.
Giới chức nhận định số người chết có thể lên tới 20.000, khi hy vọng tìm thấy nạn nhân sống sót dần tắt và nỗ lực cứu hộ chuyển sang tập trung vào khắc phục thiệt hại.
Derna, thành phố ven biển do chính quyền của lãnh chúa quân sự Khalifa Haftar kiểm soát, bắt đầu hứng chịu nước lũ từ 10/9. Bão Daniel trút lượng mưa hơn 40 cm trong vòng 24 giờ xuống vùng duyên hải đông bắc Libya, khu vực thường chỉ mưa khoảng 15 mm vào tháng 9 hàng năm.
Một ngày sau, hai con đập trên thượng nguồn sông chảy qua Derna vỡ, tạo thành trận lũ quét "như sóng thần" cao tới 7 m ập xuống thành phố, tàn phá nhà cửa và cuốn mọi thứ ra biển.
Các đội cứu hộ đang tìm kiếm người mắc kẹt dưới đống đổ nát, nhưng Ghaithi cho hay thành phố 100.000 dân này cũng cần các đội chuyên thu thập những thi thể nằm rải rác trên đất liền và trên biển để tránh một thảm kịch dịch bệnh nối tiếp.
"Tôi e rằng thành phố sẽ bùng dịch do lượng lớn thi thể chưa được thu thập", ông nói. Công tác thu hồi thi thể gặp nhiều thách thức bởi cơ sở hạ tầng yếu kém.
"Chúng tôi không đủ nguồn lực, thậm chí không đủ khẩu trang và găng tay", Abdul Qader Saleh, thành viên ủy ban hướng đạo sinh của Derna, ngày 14/9 cho biết. "Hôm qua chúng tôi phát hiện nhiều thi thể nhưng không thể đưa ra ngoài. Chúng tôi cần máy ủi, thiết bị, thậm chí cả xẻng".
Một số quốc gia đã điều động lực lượng cứu hộ sang giúp đỡ, trong đó có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Tunisia, Algeria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Pháp và một số nước khác.
Trên biển, đội người nhái và các đơn vị thuộc tổ chức Quân đội Quốc gia Libiya, nhóm vũ trang kiểm soát miền đông Libya, đang trục vớt thi thể trên biển Địa Trung Hải.
Mohamed Eljarh, nhà phân tích đứng đầu công ty tư vấn Libya Desk có trụ sở tại Benghazi, cho hay đa số các bệnh viện ở Derna đã bị phá hủy, các đội cứu hộ phải đưa thi thể tới một phòng khám nhỏ để người nhà tới nhận dạng và cấp giấy chứng tử.
"Nhưng họ nhận ra xác bắt đầu phân hủy, vì vậy chỉ còn cách chụp ảnh nhận dạng rồi đưa vào chôn trong mộ tập thể", ông nói. "Người chết không ngừng được tìm thấy. Tử khí tràn ngập khắp nơi".
Osama Ali, phát ngôn viên Dịch vụ Cấp cứu của chính quyền kiểm soát miền tây Libya, cho biết số người chết không ngừng tăng lên.
"Có nơi chúng tôi di chuyển tới 500 thi thể", ông nói, giải thích lý do chính quyền phải đào mộ tập thể.
Nagib Tarhoni, bác sĩ tại bệnh viện lớn nhất gần Derna, cho hay không đủ túi đựng thi thể. Do các vùng đất ở Derna vẫn ngập nước, chính quyền đã quy định điểm chôn cất bên ngoài thành phố, nhưng những nơi này cũng quá tải, buộc họ phải tìm kiếm khu vực mới.
Eljarh cho biết một vấn đề khác gây lo ngại là thành phố thiếu nước sạch. Lũ làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, khiến người dân có nguy cơ uống phải nước nhiễm khuẩn. Ngoài xác người, chính quyền cũng phải dọn dẹp xác động vật để đảm bảo không bùng phát dịch và gây ô nhiễm.
Khi được hỏi liệu còn có thể sinh sống ở Derna nữa hay không, Tarhoni cho biết "người dân mất việc làm, mất nhà cửa. Thành phố đối mặt nguy cơ mất vệ sinh nghiêm trọng, bên cạnh các vấn đề về nguồn nước, nhu yếu phẩm, bệnh viện".
" Đây không còn là thành phố có thể sống được nữa", ông nói. "Sẽ có sự di dời dân số quy mô lớn".
Hồng Hạnh (Theo Tribune News)