Nhiều nhà nghiên cứu đã theo dõi phân nhóm mới của bệnh cúm A/H5N1 ở các loài chim di cư kể từ năm 2020. Tuy nhiên, họ cho rằng sự lây lan của virus sang 129 đàn bò sữa khắp 12 bang Mỹ hiện nay báo hiệu các thay đổi rõ rệt. Những thay đổi này có thể đưa virus đến gần hơn với tương lai lây truyền cho con người.
"Nó gần giống với một đại dịch đang diễn ra chậm rãi. Hiện nay, mối đe dọa khá thấp, nhưng điều đó có thể thay đổi trong tích tắc, tương tự như Covid-19", Scott Hensley, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Pennsylvania, cho biết.
Đơn cử, công tác giám sát bò sữa liên bang Mỹ hiện chỉ giới hạn trong việc xét nghiệm đàn bò trước khi vận chuyển qua biên địa giới hành chính. Việc xét nghiệm giữa từng khu vực cũng không nhất quán. Công tác sàng lọc người tiếp xúc với gia súc rất hạn chế, theo giới chức và chuyên gia đại dịch.
"Chúng ta cần xác định trang trại nào có ca dương tính cúm, bao nhiêu ca, mức độ lây lan của virus, một con bò mắc bệnh trong bao lâu, đường lây truyền chính xác là gì", Ron Fouchier, chuyên gia virus học thuộc Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, nhận định.
Tương tự, tiến sĩ Jeanne Marrazzo, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết việc giám sát lâm sàng đối với virus "rất rất hạn chế". Bà nhận định mạng lưới sàng lọc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khá thụ động, cho rằng Bộ Nông nghiệp Mỹ chủ động trong việc xét nghiệm đàn bò, nhưng không công khai trang trại nào bị ảnh hưởng. Một số chuyên gia nhận định các cơ quan y tế động vật và con người có cách phản ứng khác nhau với tình hình. Điều này có thể cản trở phản ứng tổng thể.
Thực tế, một số đại dịch, trong đó có Covid-19 xuất hiện kèm rất ít dấu hiệu cảnh báo. Trong đại dịch cúm cuối gần nhất (H1N1 năm 2009), virus ban đầu chỉ lây lan trong quần thể động vật vài năm liền. Điều này giống với hoạt động của H5N1 ở thời điểm hiện tại.
Mỹ đã ghi nhận ba ca xét nghiệm dương tính cúm H5N1 kể từ cuối tháng 3. Người bệnh từng tiếp xúc với đàn bò nhiễm virus, gặp các triệu chứng nhẹ. Mexico báo cáo một ca nhiễm chủng H5 riêng biệt, chưa từng thấy ở người. Bệnh nhân này không tiếp xúc với động vật. Các trường hợp lẻ tẻ khác xuất hiện tại Ấn Độ, Trung Quốc và Australia, gây ra bởi các chủng khác nhau.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nguy cơ nhiễm H5N1 ở người vẫn thấp, hiện chưa có bằng chứng virus lây lan trong cộng đồng. Bệnh đã có vaccine ngăn ngừa (dù số lượng hạn chế) và thuốc Tamiflu để điều trị. Nhiều hãng dược sở hữu sẵn dây chuyền sản xuất quy mô lớn các loại kit xét nghiệm cúm, phương pháp điều trị và vaccine nếu cần, Wenqing Zhang, người đứng đầu cơ quan xử lý bệnh cúm của WHO, cho biết.
Theo Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Đại dịch (CEPI), rủi ro là đủ lớn để các nước chuẩn bị cho kịch bản virus cúm gia cầm lây lan ở người. Liên minh đã hành động sớm trong công tác phát triển vaccine Covid-19 và đang đàm phán với các đối tác nghiên cứu vaccine H5N1. CEPI đặt mục tiêu tạo một thư viện vaccine nguyên mẫu cho các mầm bệnh có khả năng gây ra đại dịch. Điều này giúp các hãng dược bắt đầu sản xuất quy mô lớn và phân phối vaccine cần thiết trong vòng 100 ngày kể từ khi dịch bùng phát.
Các nước chuẩn bị sẵn sàng
Một số quốc gia đang thực hiện các bước đầu tiên nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ lây nhiễm H5N1. Mỹ và châu Âu mua sẵn vaccine "dự phòng đại dịch", có thể sử dụng cho nhóm nguy cơ cao, gồm công nhân tại nông trại hoặc chuyên gia làm việc ở phòng thí nghiệm. Phần Lan là nước đầu tiên tiêm chủng cúm gia cầm.
Dù vậy, việc mở rộng các chiến dịch tiêm phòng cũng rất phức tạp. Các nhà sản xuất vaccine "dự phòng đại dịch" vẫn phải sản xuất vaccine cúm mùa. Tuy nhiên, họ không thể xử lý cả hai vaccine cùng một lúc. Hầu hết vaccine cúm được sản xuất bằng cách sử dụng virus nuôi trong trứng, cần 6 tháng mới ra đời.
Mỹ đang đàm phán với Moderna để sử dụng công nghệ mRNA, giúp điều chế vaccine dự phòng đại dịch một cách nhanh chóng hơn.
Tất cả chuyên gia đều thừa nhận cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn mối đe dọa, nhưng không phản ứng thái quá khiến cộng đồng hoang mang.
"Chúng tôi muốn đưa ra cảnh báo thận trọng, nhưng không khiến cộng đồng có cảm giác tận thế sắp đến", Wendy Barclay, chuyên gia virus tại Đại học Hoàng gia London, cố vấn Cơ quan An ninh Y tế Anh về cúm gia cầm, nói.
Thục Linh (Theo Reuters)