Iran hôm 1/10 tập kích tên lửa quy mô lớn vào Israel để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah và Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó tuyên bố Iran đã phạm sai lầm lớn và sẽ phải trả giá. Iran cũng đe dọa phản ứng mạnh nếu Israel trả đũa.
Trang tin Axios trích lời quan chức Israel cho biết một trong các phương án đáp trả của nước này là tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran. Amrita Sen - đồng sáng lập Energy Aspects cho rằng việc này có thể gây ra cú sốc giá dầu cho thế giới.
Sau các thông tin tập kích, giá dầu thô thế giới tăng gần 4%. Mỗi thùng dầu Brent hiện lên 74,7 USD và WTI lên 71 USD. Hãng nghiên cứu ClearView Energy Partners ước tính việc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Iran có thể kéo giá dầu tăng thêm 13 USD một thùng. Thậm chí, giá có thể đắt thêm 28 USD mỗi thùng nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa.
"Trên lý thuyết, nếu Iran mất toàn bộ sản lượng, OPEC+ đủ công suất dự phòng để bù đắp cú sốc này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây không phải là kịch bản có xác suất lớn nhất", Sen cho biết.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Giá dầu vài năm qua không biến động lớn, bất chấp căng thẳng tại Ukraine và Trung Đông. Rhett Bennett - CEO Black Mountain cho biết một phần nguyên nhân là Mỹ tăng sản xuất dầu. Mỹ hiện đóng góp 13% sản lượng dầu thô toàn cầu. Tỷ lệ này của OPEC là 25% và OPEC+ 40%.
Dù vậy, nếu căng thẳng tại Trung Đông lan rộng hơn nữa, gây gián đoạn nguồn cung trầm trọng hơn, giá dầu khó tránh tăng giá. Việc này sẽ kéo giá xăng lên cao, ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
"Mỹ nhiều khả năng sẽ thuyết phục Israel đáp trả nhẹ nhàng hơn, để tránh căng thẳng lên quá cao", Warren Patterson tại ING kỳ vọng.
Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ), với sản lượng 3,2 triệu thùng một ngày, tương đương 3% toàn cầu. Năm nay, xuất khẩu của họ lên cao nhất nhiều năm, với 1,7 triệu thùng một ngày, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Khách mua chủ yếu là các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.
Xung đột tại Trung Đông leo thang từ cuối năm ngoái, nhưng chỉ khiến giá tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lần này có thể khác, do Iran đã tham gia sâu hơn vào xung đột.
OPEC+ gồm OPEC và các nước đồng minh như Nga, Kazakhstan. Vài năm qua, họ giảm sản xuất để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu. Hiện tại, các nước OPEC+ cắt giảm tổng cộng 5,86 triệu thùng một ngày. Vì thế, công suất dự phòng của liên minh này vẫn khá lớn.
Tổ chức này đã nhóm họp để bàn bạc về sản lượng. Tuy nhiên, Reuters trích các nguồn tin thân cận cho biết nhóm này không bàn đến xung đột Israel-Iran. "Việc duy nhất liên quan đến chính trị được đề cập là các nước hy vọng xung đột không leo thang", nguồn tin này cho biết.
Thực tế, những nước có khả năng bù đắp nguồn cung nhất lại chính là các quốc gia Vùng Vịnh - nơi sẽ chịu tác động nếu căng thẳng Trung Đông leo thang. Giovanni Staunovo - nhà phân tích tại UBS cho rằng phương Tây sẽ phải mở kho dự trữ chiến lược, nếu gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng xảy ra.
Các nhà phân tích và chuyên gia an ninh cho biết Israel có thể nhắm đến các cơ sở lọc dầu và cảng dầu Kharg Island - nơi xử lý 90% dầu khô xuất khẩu của Iran. Trong chiến sự Iran-Iraq thập niên 80, Baghdad từng tấn công nhiều tàu dầu quanh Kharg Island và đe dọa phá hủy cảng này. Dù vậy, Israel đến nay vẫn tránh tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Hà Thu (theo Reuters, NYT)