Theo các nhà kinh tế và quan chức Ukraine, nước này sẽ cạn tiền trong vài tháng tới và phải thực hiện biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy đau đớn để duy trì hoạt động của chính phủ nếu nguồn viện trợ mới từ Mỹ hoặc châu Âu không được thông qua.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cung cấp khoảng 70% số viện trợ tài chính cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra và đã cam kết sẽ chuyển thêm hàng tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự mới vào đầu năm nay. Nhưng dòng tiền đang bị tắc nghẽn bởi những tranh cãi chính trị nội bộ ở Washington và Brussels.
Dù các lãnh đạo chính trị Mỹ và châu Âu khẳng định những gói viện trợ đó cuối cùng sẽ được thông qua, thời điểm chúng đến tay Ukraine là điều rất quan trọng.
Ukraine có nguy cơ bị thâm hụt tài chính hơn 40 tỷ USD trong năm nay, giảm nhẹ so với mức thâm hụt năm 2023. Nguồn tài trợ từ Mỹ và EU dự kiến giúp họ trang trải 30 tỷ USD. Số tiền này cần để Ukraine duy trì hoạt động của chính phủ, trả lương cho công chức, cũng như chi trả lương hưu và trợ cấp cho người dân.
Theo Bộ Tài chính Ukraine, chính phủ đã đánh thuế lợi tức phụ thu lên các ngân hàng, phân bổ lại một số khoản thu từ thuế và tăng cường vay trong nước để trang trải chi tiêu ngân sách cho tới tháng hai.
"Những biện pháp này có tác động rất hạn chế", Thứ trưởng Tài chính Ukraine Olga Zykova nói. "Tất cả đối tác của chúng tôi đều nóng lòng chờ đợi nguồn tài trợ thêm từ phương Tây".
Nhưng gói viện trợ trị giá khoảng 55 tỷ USD trong 4 năm của EU đã bị Hungary chặn lại. Trong thư gửi người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel cuối năm ngoái, Thủ tướng Hungary Viktor Orbannói EU sẽ không thể thông qua quyết định nào về việc viện trợ cho Ukraine nếu các lãnh đạo chưa nhất trí sẽ xem xét lại toàn bộ chiến lược hỗ trợ của khối với Kiev.
Các chính trị gia EU hy vọng hội nghị thượng đỉnh ngày 1/2 tại Brussels sẽ mang lại bước đột phá. Nếu không thành công, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyenhas tuyên bố khối này sẵn sàng qua mặt Hungary để tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine.
Trong khi đó, gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine hiện vẫn chưa được quốc hội Mỹ thông qua, khi các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện muốn ràng buộc khoản tiền này với điều kiện thắt chặt an ninh biên giới để ngăn dòng người nhập cư.
Tuần trước, Nhà Trắng phát đi tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề nhập cư để mở khóa viện trợ cho Ukraine và Israel. Nhưng thỏa thuận đang được soạn thảo tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn khi các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đưa ra những yêu cầu cứng rắn hơn.
Thực tế này khiến chính phủ Ukraine có thể phải thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo nguồn tiền mặt nếu viện trợ phương Tây không đến kịp thời. Việc trì hoãn các gói viện trợ quân sự cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực trên chiến trường của Ukraine, vốn đã bị đình trệ sau khi chiến dịch phản công quy mô lớn thất bại.
Các cuộc thảo luận với những đối tác quốc tế đã bắt đầu chuyển sang tập trung vào câu hỏi làm thế nào Ukraine có thể tự chủ về tài chính khi cuộc xung đột với Nga kéo dài qua năm thứ ba.
Giữ nền kinh tế ổn định sẽ củng cố khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraine. Nền kinh tế Nga ban đầu bị ảnh hưởng đáng kể vì loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng sau đó đã phục hồi, khi Moskva tìm được khách hàng mới để xuất khẩu dầu mỏ và tập trung nguồn lực trong nước vào sản xuất quân sự.
"Nếu Ukraine không đạt được ổn định kinh tế, việc đối đầu với một quốc gia lớn hơn và có nhiều nguồn lực hơn sẽ rất khó khăn", Olena Bilan, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Dragon Capital của Ukraine, nhận xét. "Nếu ngân sách không đủ trả lương hưu hay tiền lương thì lấy đâu ra tiền để mua đạn dược?".
Một số nhà kinh tế Ukraine ngần ngại đưa ra dự đoán về việc Kiev có thể tiếp tục giữ ổn định khi không có viện trợ nước ngoài trong bao lâu, lo ngại điều này sẽ khiến các đối tác phương Tây coi nhẹ tính cấp bách của vấn đề.
"Chúng tôi phải tránh xây dựng những kịch bản tốt đẹp về cách Ukraine có thể tồn tại, nếu không chúng tôi sẽ không có gì ăn trong ba tháng", Nataliia Shapoval, người đứng đầu Viện KSE, tổ chức tư vấn tại Trường Kinh tế Kiev, nói.
Những lo ngại về ổn định tài chính của Ukraine đã đè nặng lên đồng tiền quốc gia, hryvnia. Ngân hàng Trung ương đã chi ròng 3,6 tỷ USD trong tháng 12 để hỗ trợ tiền tệ, mức can thiệp hàng tháng lớn nhất kể từ giao tranh bùng phát.
Bilan, chuyên gia kinh tế từ Dragon Capital, ước tính Ukraine có thể huy động 8 tỷ USD và giữ cân đối ngân sách trong ba tháng đầu năm nay bằng cách tận dụng nguồn tiền tồn dư từ năm 2023, hoãn trả lương và các chi tiêu không quan trọng khác, đồng thời tăng vay từ các ngân hàng hay những nhà đầu tư trong nước.
Theo Viện KSE, Nhật Bản dự kiến giải ngân 1,5 tỷ USD viện trợ ngân sách trong tháng này và khoảng 4, 9 tỷ USD viện trợ từ EU sẽ đến vào tháng ba.
Kiev đang chi gần như toàn bộ nguồn tiền thu được cho quốc phòng. Khoản chi này có thể còn phình to hơn nữa khi Ukraine tìm cách huy động hàng trăm nghìn binh sĩ mới trong năm nay. Chuyên gia Shapoval từ Viện KSE cho biết chi phí cho một người lính ở tiền tuyến khoảng 26.000 USD mỗi năm.
Trong kịch bản xấu nhất, Shapoval dự đoán Ukraine buộc phải in thêm tiền, điều có thể khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng hơn nữa khi đẩy lạm phát tăng cao, đồng thời khiến nguồn hỗ trợ từ những bên cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gặp rủi ro. Nó cũng tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn giá trị đồng tiền nội địa và khiến người dân cũng như nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế.
Các lựa chọn khác của Ukraine có khả năng khiến Tổng thống Zelensky trả giá nặng nề về mặt chính trị. Việc trì hoãn trả lương hưu hay cắt trợ cấp an sinh sẽ tác động nặng nề tới tầng lớp thu nhập thấp ở Ukraine. Việc hạn chế nhập khẩu lại tiềm ẩn nguy cơ gây tâm lý bất mãn trong tầng lớp giàu có, những người vẫn muốn mua ôtô hay mỹ phẩm nước ngoài.
"Về mặt kinh tế, in thêm tiền là biện pháp cuối cùng. Về mặt chính trị, đó là biện pháp đầu tiên", Shapoval cho hay. "Nó rất hấp dẫn về mặt chính trị vì dễ dàng thực hiện".
Trong dài hạn, Ukraine và các đối tác đang thảo luận về cách để nước này có thể tự cân đối tài chính giữa xung đột, thông qua các biện pháp như tăng cường thu thuế hay đẩy mạnh sản xuất quân sự trong nước.
"Chúng tôi nhận thấy Ukraine cần tăng cường năng lực tài chính và quân sự của mình", Thứ trưởng Tài chính Zykova nói, thêm rằng chính phủ đang đẩy mạnh tài trợ cho sản xuất vũ khí và máy bay không người lái (UAV).
Mỹ và các đối tác cũng đang tìm cách sử dụng một phần trong 300 tỷ USD dự trữ đang bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để giúp Ukraine chi trả các khoản vay.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những nỗ lực như vậy phải mất nhiều năm mới có kết quả. Trong khi đó, Matteo Patrone, lãnh đạo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu tại Ukraine, nhấn mạnh rằng tiến bộ kinh tế của Ukraine đang bị cản trở bởi viện trợ không ổn định từ phương Tây.
Theo Ngân hàng Trung ương Ukraine, nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023. Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm tăng 5,1% trong tháng 12, giảm mạnh từ mức 26% vào đầu năm 2023.
"Điều trớ trêu là tình hình kinh tế vĩ mô của Ukraine rất tốt trong hoàn cảnh như vậy và thành quả đó hoàn toàn thuộc về chính quyền Ukraine", Patrone nói. "Lãng phí tất cả những nỗ lực đó sẽ 'đổ thêm dầu vào lửa'".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)