Chiều 4/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, WHO và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Tại Việt Nam, biến chủng BA.5 đã xuất hiện. Nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại.
Hai ngày trước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương đôn đốc, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 230 triệu liều, cơ bản phủ đủ hai mũi cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Tuy nhiên gần đây, người dân tại nhiều địa phương không muốn tiêm mũi nhắc lại khiến vaccine Covid-19 bị tồn. Một số tỉnh, thành yêu cầu người không tiêm vaccine ký cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh.
Thứ trưởng Y tế cũng cho hay, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ đang soạn thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết về đảm bảo thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các cơ quan cũng đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, vật tư y tế cũng như các gói thầu thuốc, danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, danh mục đàm phán tại Trung ương và địa phương.
"Bộ đã đôn đốc các đơn vị, địa phương đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, tránh tâm lý sợ sai, không dám mua sắm", bà Hương nói, cho biết về lâu dài Bộ sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Khám chữa bệnh, Bảo hiểm y tế, Dược, quy định về trang thiết bị y tế.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy.