Chia sẻ với VnExpress về ngưỡng xét tuyển vào đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng cho rằng ngưỡng 15 điểm là hợp lý vì phổ điểm cao hơn các kỳ thi 3 chung trước đây. Ngưỡng này tạo thuận lợi cho các trường tuyển sinh. Trường top dưới và dân lập sẽ có nhiều nguồn tuyển mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhà quản lý giáo dục này phân tích, việc xác định ngưỡng đầu vào đại học chỉ áp dụng cho các trường tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Những trường có đề án riêng, sử dụng cả học bạ để xét tuyển không bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy việc đưa ra ngưỡng vẫn là cần thiết để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường và chất lượng nguồn.
“Có một số người nói không cần lấy ngưỡng đầu vào vì quan trọng là sàng lọc trong quá trình đào tạo để đầu ra đạt chất lượng. Quan điểm đó là không hợp lý. Ngưỡng đầu vào rất quan trọng vì nếu không tuyển được thí sinh có chất lượng phù hợp thì dù chương trình đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất… tốt đến mấy, chất lượng đầu ra cũng chỉ đạt đến một mức nhất định mà thôi”, ông Dũng nói.
Ông Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng 15 là mức điểm an toàn cho tất cả trường đại học. Với phổ điểm mà Bộ Giáo dục đã công bố trước đó thì mức điểm trên 15 chiếm một tỷ lệ khá lớn. Sử dụng một mức điểm chung cho tất cả tổ hợp môn sẽ thuận lợi cho các trường xét tuyển với tất cả nguyện vọng. Ví dụ một thí sinh có thể đăng ký 4 ngành của một trường thì sẽ chọn ra một tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển.
"Trước đây, điểm sàn được tính theo khối, một ngành có thể xét tuyển ở nhiều khối nên các trường phải đưa ra tỷ lệ thí sinh giữa các khối để tính điểm chuẩn riêng. Năm nay cùng một mức điểm sàn thì sẽ dễ dàng cho việc xét tuyển hơn", ông Thanh nhận định và cho biết năm trước Đại học Công nghiệp thực phẩm có tới 1/2 tổng số ngành có mức điểm chuẩn dưới 15. Năm nay điểm chuẩn của trường sẽ dao động khoảng 15-20.
Nhận xét về ngưỡng xét tuyển năm nay, ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông lâm TP HCM cho rằng điểm này khiến "cả làng đều vui". Lần đầu tiên tổ chức thi 2 trong 1 nên Bộ Giáo dục lấy 5 điểm một môn là "chấp nhận được", nếu thấp hơn nữa thì rất khó coi. Các trường top trên không quá quan tâm về ngưỡng xét tuyển vì thường lấy trên mức này 2-3 điểm. Còn các trường top dưới thì vui vì có nguồn tuyển dồi dào.
“Dự kiến, điểm nhận hồ sơ vào trường sẽ cao hơn ngưỡng xét tuyển Bộ Giáo dục công bố 2 điểm. Sáng 29/7, trường sẽ họp và công bố”, ông Lý nói.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội Vũ Văn Hóa cho biết, trường mình và các trường khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hài lòng với ngưỡng đầu vào 15 điểm. Ngưỡng này tuy cao hơn năm ngoái 1 điểm nhưng thể hiện được sự tiến bộ trong tuyển sinh, giúp nhà trường có được nguồn vào chất lượng. Thí sinh những năm sau theo đó cũng chú ý nâng cao trình độ học tập hơn. “Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể gặp chút khó khăn với việc nâng ngưỡng đầu vào này, nhưng 15 điểm vẫn là mức hợp lý vì đầu vào chất lượng thì đầu ra mới được đảm bảo”, ông Hóa nói.
Việc tăng ngưỡng đầu vào lên 15, theo ông Hóa, làm hơn 20.000 thí sinh bị trượt đại học. Tuy nhiên, mức 15 điểm đã tính điểm ưu tiên rồi nên các thí sinh đến từ trường THPT đào tạo tốt sẽ không khó khăn. Thí sinh đến từ khu vực miền núi, Tây Nguyên… cũng được cộng điểm ưu tiên nên điểm thực không cần đủ 15.
Nhiều thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia sau khi xem ngưỡng đầu vào đại học đã có thể "thở phào". Nguyễn Hoàng Nhân Kiệt (THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP HCM) vui mừng khi biết mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục đưa ra chỉ kém điểm 3 môn dự định xét tuyển đại học của em là 0,5. Mấy ngày nay cả gia đình Kiệt không khỏi lo lắng, sợ em không vượt qua điểm sàn vì những năm trước khối A có ngưỡng đầu vào cao hơn.
Một thí sinh khác của trường này chia sẻ đã rất hạnh phúc khi biết ngưỡng đầu vào đại học. "Tổ hợp môn Toán, Hóa, Sinh của em chỉ được tròn 15 điểm, luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Em gần như chờ mức điểm xét tuyển của Bộ từng ngày vì rất lo lắng. Giờ thì em có thể yên tâm chọn một trường phù hợp để xét tuyển", nam sinh cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà quản lý giáo dục đánh giá ngưỡng 15 điểm là thấp, nhất là với trường kỹ thuật. Hiệu trưởng một trường đại học công lập tại TP HCM phân tích, số thí sinh đạt 15 điểm trở lên ở các khối, tổ hợp môn rất nhiều, theo thông báo của Bộ là gấp 1,52 lần chỉ tiêu tuyển sinh đại học. Ngoài ra còn có 198 trường tuyển sinh bằng cách xét học bạ THPT. Việc xác định ngưỡng xét tuyển thấp sẽ kéo chất lượng giáo dục đại học đi xuống.
“Hầu hết trường top dưới và đại học ngoài công lập đều có mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục. Với mức này, tôi chỉ lo lứa sinh viên vào học được nhưng ra trường không thể tìm việc làm vì trình độ kém. Ngưỡng xét tuyển cần cao hơn để các em có thể theo kịp chương trình đại học”, vị hiệu trưởng nói.
Ông này cho biết thêm, năm nay có rất nhiều cách để tính ngưỡng xét tuyển vì có hơn 100 tổ hợp môn thi mới. Bộ có thể tính theo khối thi truyền thống, chia tổ hợp môn thành khối xã hội, khối tự nhiên..., như vậy sẽ hợp lý hơn là lấy 15 điểm cho tất cả khối.
Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội, thầy Đào Tuấn Đạt, cho rằng ngưỡng 15 điểm chỉ là lựa chọn về hình thức. Có thể tính được ngưỡng đảm bảo cho từng tổ hợp môn, nhưng vấn đề là không biết được học sinh sẽ chọn những tổ hợp môn nào để nộp đơn xét tuyển vào đại học nên Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc phải chọn một mức điểm chung là 15 điểm cho tất cả tổ hợp môn.
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng một số tổ hợp bị dồn ứ học sinh, nhưng lại có một số tổ hợp môn rơi vào trạng thái bị pha loãng, dẫn đến quá thừa hoặc quá thiếu ở một số ngành. "Đề thi với 60% ở mức độ nhận biết, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng ở mức độ trung bình nên nếu chấp nhận học sinh đạt 15 điểm cho một tổ hợp môn vào được đại học thì các em sẽ vất vả khi học ở bậc học này, đặc biệt là các trường đại học kỹ thuật", ông Đạt nói.
Theo nhà quản lý giáo dục này, đề thi ba chung những năm trước có nhiều câu khó hơn và không có phần trăm nào dễ như 60% câu dễ của đề thi THPT quốc gia, nhưng ngưỡng chất lượng đầu vào chỉ thấp hơn một chút. Từ thực tế giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Đạt cho rằng, với mức điểm 17, thí sinh nếu học ở các cơ sở đào tạo uy tín thì khó có thể qua được năm thứ nhất.
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM Đỗ Văn Dũng cho biết, điểm nhận hồ sơ của trường là 18, bởi 6 điểm/môn năm nay bằng với 5 điểm/môn của năm 2014. Trường đưa ra mức điểm này hơi mạo hiểm, thí sinh thấy điểm cao sẽ ngại nộp hồ sơ. Tuy nhiên, lấy thấp quá các em nộp hồ sơ vào nhiều, thí sinh ở tỉnh sẽ không có điều kiện đến trường rút hồ sơ ra và nộp vào trường khác.
“Với mức điểm 15, thí sinh chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ngoài công lập và các ngành kinh tế. Còn các trường kỹ thuật, chương trình học rất nặng. Vào học, các em sẽ không theo kịp chương trình rồi lại bị đuổi học”, ông Dũng khuyến cáo.
Nhóm phóng viên