Vàng sốt giá nhưng nhà đầu tư thờ ơ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đây, mỗi ngày Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán được 2.000 đến 3.000 lượng. Trong hai ngày cuối tuần qua, 95 cửa hàng của PNJ trên toàn quốc chỉ bán ra được vài trăm lượng. Tương tự, một đại lý SJC tại Hà Nội chỉ giao dịch được vài chục lượng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, nói: "Giao dịch chậm lắm, gần như đóng băng. Khách mua vàng chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu cấp bách như thanh toán hay trả nợ".
Chủ một doanh nghiệp vàng bạc khá lớn tại Hà Nội cho rằng, mức giá trên 20 triệu đồng đã tồn tại quá lâu và người dân trở nên quen với việc vàng tăng giá. Do đó, những nhà đầu tư muốn bán vàng đều tiếp tục chờ đợi một mức giá cao hơn. Theo các chuyên gia, chỉ khi giá thế giới vượt trên 1.000 USD một ounce, kéo giá trong nước lên gần 22 triệu đồng, hoặc ngược lại, giảm sâu xuống dưới 20 triệu, thì thị trường mới sôi động trở lại.
Bà Cúc nhận định, một khi người dân đã có ý định cất giữ, họ sẽ không bán ra dù giá có tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, những ai có tâm lý muốn bán, đã bán hết từ đợt cao điểm hồi tháng 3. Nhiều người không kịp mua vào khi giá dưới 20 triệu đồng một lượng, nay càng chùn tay khi giá ngày một leo thang.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, nhận định: "Giao dịch trầm lắng trên thị trường đơn giản là không có nguồn cung. Sau 4 tháng xuất ồ ạt, gần 70 tấn vàng nguyên liệu đã ra khỏi Việt Nam, gần bằng lượng nhập về của cả năm ngoái. Nguồn cung càng căng thẳng khi các doanh nghiệp chưa được phép nhập vàng, sau khi đã xuất. Thị trường gần như tê liệt bất chấp cơn bão giá tăng cấp từng ngày".
Hiện tại, vàng dự trữ trong dân theo ước tính của ông Trúc chỉ còn 7 đến 8 tấn. Lượng gửi tiết kiệm ở ngân hàng và các công ty kim hoàn cũng tương đương. Như vậy, số lượng vàng dự trữ có thể mang vào giao dịch chỉ chưa đầy 20 tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Các doanh nghiệp đầu mối đã thu lời kha khá sau đợt xuất vàng vừa qua. Riêng Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, lãi gộp trong quý I đạt 50 tỷ đồng, gần bằng cả 6 tháng đầu năm ngoái. Trong số đó, 30 tỷ đồng đến từ kênh xuất khẩu vàng miếng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa thể nhập vàng, ít nhất là từ nay tới cuối năm, để có nguồn thu, tổng công ty đang lên kế hoạch sản xuất nữ trang từ chút ít nguyên liệu còn lại nhập từ thời giá thấp.
Bà Cúc cho biết, công việc kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Những nguyên liệu đầu vào để sản xuất đã được công ty chuẩn bị sẵn từ trước thời điểm tăng giá.
Doanh thu 4 tháng đầu năm nay của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đạt 5.321 tỷ đồng, đạt 110 % kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế là 124,25 tỷ đồng, đạt 57,11% so với kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế là 93,389 tỷ đồng, đạt 57,01 % kế hoạch năm. Lợi nhuận trong 4 tháng đầu năm của PNJ chủ yếu từ mảng kinh doanh chính là nữ trang và một phần từ vàng miếng.
Trong khi đó, sáng nay giá vàng vẫn biến động không ngừng, bất chấp sự thờ ơ của giới đầu tư. Giá mua vào bán ra vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng lần lượt 170.000 - 200.000 đồng, đạt 21,35-21,45 triệu đồng một lượng. Vàng miếng Phượng Hoàng - Đông Á Bank của PNJ đứng ở mức 21,35-21,40 triệu đồng, tăng 170.000 đồng so với chiều qua.
Tính đến 10h20, doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội đã thay đổi 5 lần giá niêm yết, tạm thời đứng ở 21,30 - 21,45 triệu đồng mỗi lượng. Giá trong nước liên tục biến động theo thị trường thế giới. Hiện mỗi ounce vàng quốc tế có giá 982.60 USD một ounce, tăng 2,6 USD so với đầu phiên giao dịch châu Á.
Thanh Bình - Song Linh