Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết thế giới và Việt Nam đều ưu tiên lấy phổi hiến từ người chết não, khuyến khích hiến tạng từ người chết não.
"Trường hợp đặc biệt, hãn hữu mới lấy phổi từ người hiến sống. Ví dụ ca ghép đầu tiên Việt Nam vào tháng 2/2017 tại Bệnh viện Quân y 103", ông Phúc nói. Bệnh nhi 7 tuổi được ghép cả hai lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột. Mỗi người tặng một phần phổi của mình tạo thành hai lá phổi cho bé.
Khi "bệnh nhân 91" được Bộ Y tế chỉ định ghép phổi, Trung tâm đã tích cực tìm nguồn hiến tặng từ người chết não tương thích. Vài ngày trước, có người chết não hiến phổi phù hợp với nam phi công 43 tuổi người Anh, song phổi hiến không thể sử dụng do bị nhiễm trùng.
Để ghép thành công, phổi hiến và người nhận phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, ít nhất là nhóm máu, kích thước, bên nhận đảm bảo không đang nhiễm trùng, sạch virus; bên hiến có phổi còn khá tốt, đảm bảo độ tuổi, không mang bệnh...
Khoảng 50 người gửi đề nghị tới Trung tâm mong hiến phổi để ghép cho bệnh nhân phi công, đều là người Việt, sống cả trong và ngoài nước.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nơi trực tiếp điều trị "bệnh nhân 91", cũng nhận được những lời đề nghị trực tiếp, thể hiện mong muốn hiến phổi, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc bệnh viện, cho biết.
"Có người bảo hai phổi của tôi khoẻ, xin hiến một lá. Thậm chí có người cam kết có một nhóm bạn, 'mỗi người hiến một mẩu, 10 người ghép lại là đủ phổi cho bệnh nhân'", bác sĩ Châu kể.
Nhiều độc giả VnExpress nhờ kết nối bệnh viện hiến phổi cho nam phi công. Anh Lâm, 41 tuổi, ở Tây Ninh, cho biết đang sống độc thân, không hút thuốc lá, sức khỏe tốt.
"Tôi thấy thương anh phi công, nên dù phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe không tốt sau khi hiến phổi, thì tôi vẫn mong muốn được hiến một lá phổi để cứu anh ấy", anh Lâm bày tỏ.
Người hiến sống cần đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về sức khỏe. Độ tuổi thường là 18-60. Người hiến tặng phải không có tiền sử ung thư, chưa từng bị chấn thương, nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc ngưng tim, không mắc HIV, viêm gan B và C. Nhóm máu người cho và người nhận cũng như kích thước phổi ghép phải tương thích.
Người hiến tạng sống cũng chịu nguy cơ sức khỏe, bị đau sau mổ lấy tạng. Lồng ngực người hiến phổi được nối ống thông vài ngày. Họ cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng, lưu viện theo dõi chừng 10 ngày. Quá trình hồi phục mất 4-6 tuần, trong thời gian đó không làm việc, đi lại cũng khó khăn. Một nghiên cứu trên 235 người hiến tạng cho thấy không có người tử vong trong hoặc sau ghép.
Các bệnh nhân được chỉ định ghép thường trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch, không đáp ứng bất cứ phương pháp điều trị nào khác. Độ tuổi phù hợp để được ghép là dưới 50.
Mỗi năm thế giới có khoảng 3.500 ca ghép phổi thành công.
Chi phí cho một ca phẫu thuật ghép phổi đa dạng, tùy thuộc vào các quốc gia và cơ sở y tế. Tại Mỹ, phẫu thuật ghép một lá phổi tốn hơn 800.000 USD. Để ghép hai lá phổi, người bệnh phải chi trả hơn một triệu USD.
Chi phí ghép phổi tại Việt Nam khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Với trường hợp "bệnh nhân 91", Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh nghiên cứu các quy định pháp lý, tìm kiếm nguồn tài trợ.
"Bệnh nhân 91", dương tính nCoV từ ngày 18/3, là người bệnh nặng nhất hiện nay. Diễn biến sức khỏe bệnh nhân thất thường, ngày càng xấu, 90% phổi không hoạt động, can thiệp ECMO 40 ngày, lọc máu. Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn chỉ định ghép phổi, đánh giá đây là cơ hội cuối cùng cứu bệnh nhân.