Tại Việt Nam, tình trạng thiếu hụt điện vẫn diễn ra nhiều năm qua. Các dự án xây dựng nguồn cấp không theo kịp nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng quá nhanh, tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong khi nguồn điện năng chủ yếu của nước ta là thủy điện và nhiệt điện (than, khí và dầu).
Việt Nam lệ thuộc vào thủy điện quá nhiều nên nhu cầu đáp ứng điện lại tăng cao vào mùa khô, tạo nên áp lực lớn lên các nhà máy nhiệt điện, dẫn đến tiêu tốn một số lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa việc phá rừng làm thủy điện cũng đe dọa lớn đến môi trường, động thực vật càng ngày bị đe dọa.
Việc lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và tàn phá thiên nhiên đang khiến chúng ta phải trả giá bằng việc trái đất nóng dần lên, các loài động vật dần tuyệt chủng, thiên tai ngày càng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là những tác động mà Việt Nam đang phải hứng chịu trong các năm gần đây.
Vì vậy, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới là một trong những thách thức cho chính Việt Nam. Hiện nay, giải pháp được các nước phát triển sử dụng và phát triển là "Điện gió" - một nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả, vô hạn.
Theo các báo cáo của Đại học Harvard (Mỹ), tiềm năng điện gió trên thế giới có thể tạo ra công suất điện nhiều gấp 40 lần điện năng tiêu thụ hiện nay. Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới (The World Bank Asia Alternative Energy Program) đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận (Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt“ đến “rất tốt“ để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn).
Một nghiên cứu thực hiện của tổ chức năng lượng Greenpeace EG và Hiệp hội năng lượng gió của Đức BWE, phối hợp cùng với các nhà nghiên cứu từ Quỹ Xanh Đức (Green Budget Germany, GBG) thực hiện công bố vào 8/2012, cho rằng cần phải tính phí môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng vào giá thành điện sản xuất. Theo nghiên cứu có xét đến các chi phí phụ (hỗ trợ từ ngân sách, tác động tới môi trường và nguy cơ hạt nhân) thì giá thủy điện 7,6 cent một KWh, giá điện gió là 8,1 cent một KWh, điện khí 9 cent một KWh, nhiệt điện từ than bùn và than đá (15,6 và 14,8 cent một KWh) và điện hạt nhân 16,4 cent một KWh (nếu tính các chi phí khác, giá điện hạt nhân 42,2 cent một KWh ). Từ đó có thể thấy điện gió nguồn điện “xanh” rẻ trên thế giới hiện nay.
Sự chênh lệch giữa giá điện gió và các năng lương tuyền thống (thủy điện, điện gió) không lớn đối với nước phát triển. Nhưng đối với các nước đang phát triển, phụ thuộc công nghệ như Việt Nam, việc đầu tư phát triển điện gió khá khó khăn do chi phí hạ tầng cơ sở, lưới điện; chưa làm chủ được công nghệ, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Do đó, giá điện gió khi bán ra tương đối cao (ví dụ như điện gió Bạc Liêu đề nghị giá bán 12 UScents một kWh cho EVN trong 4 năm đầu). Ở đây chưa xét tới chi phí môi trường, tài nguyên. Trong khi giá điện EVN mua từ công ty tư nhân 700 đồng một KWh (3,33 cent một KWh).
Đa phần trang thiết bị kích thước lớn dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển. Nhiều nơi có tiềm năng điện gió rất cao nhưng khó vận chuyển được do đường xá khó chịu được trong tải lớn, thiếu nguồn đầu tư. Ngoài ra, thông tin chưa đầy đủ về tiềm năng gió từng vùng miền tại Việt Nam. Các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư, sợ lỗ do thiếu cơ chế, chính sách hợp lý giá mua của Nhà nước.
Chính vì vậy, Nhà nước cần ban hành các chính sách thích hợp khuyến khích đầu tư điện gió vào Việt Nam; trợ giá, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển điện gió. Chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng các tubin điện gió nội địa, từng bước phát triển và làm chủ công nghệ; khuyến khích người dân sử dụng điện gió. Mặt khác, chúng ta nên xây dựng cơ chế để đảm bảo công bằng sân chơi cho năng lượng gió; tăng cường nghiên cứu khoa học về các ngành năng lượng mới; xây dựng các trang trại điện gió ngoài biển, tận dụng tốt không gian và lượng gió.
Với những chính sách phù hợp và sự hưởng ứng của xã hội và nguồi dân, điện gió ở nước ta sẽ phát triển nhanh và mạnh, trở thành nguồn năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Việc phát triển điện gió cũng giúp làm giảm thiểu lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, chỉ có phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường mới đảm bảo nước ta phát triển nền công nghiệp xanh và bền vững.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây hoặc về email media@vnexpress.net.
Cuộc thi "Năng Lượng xanh cho cuộc sống" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Schneider Electric tổ chức. Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) là đơn vị đồng hành. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 23/10. Cuộc thi nhằm khuyến khích mọi công dân Việt Nam có những suy nghĩ và hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng. Tác phẩm dự thi có thể là những ý tưởng sáng tạo hay giải pháp mang tính thực tiễn liên quan đến điện năng trong sinh hoạt, sản xuất… |
Phạm Minh Đức