Bức tượng điêu khắc cổ xưa về một phụ nữ, được gọi là "Thần Venus của Willendorf", nhiều khả năng có nguồn gốc rất xa Willendorf, Áo, nơi nó được phát hiện vào đầu thế kỷ 20.
Bức tượng chỉ cao 11 cm, sơn màu thổ hoàng, tồn tại từ khoảng 30.000 năm trước, trong thời Đồ Đá cũ. Một nghệ nhân thời xưa đã chạm khắc bức tượng với công cụ bằng đá lửa và các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna (NMW) đã khai quật nó ven bờ sông Danube vào ngày 7/8/1908.
Dù nhỏ, tượng nữ thần Venus vẫn rất chi tiết. Bức tượng khắc họa một phụ nữ trưởng thành và không có gương mặt, vùng hông lớn, bụng nhô ra, ngực lớn với một chiếc mũ hoặc kiểu tóc cầu kỳ, theo nghiên cứu công bố hôm 28/2 trên tạp chí Scientific Reports. Khi phát hiện bức tượng, các nhà khảo cổ đã đặt tên nó theo thần tình yêu Venus vì họ cho rằng vào thời đó, tượng phụ nữ với những nét gợi cảm nổi bật gần như chắc chắn là nữ thần sinh sản.
Tuy nhiên, vật liệu chứ không phải các chi tiết của bức tượng mới thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Tượng được chạm khắc từ đá vôi oolitic, một loại đá trầm tích cấu tạo từ các hạt hình cầu gắn kết với nhau, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Kansas. Tuy nhiên, không có mỏ đá vôi oolitic nào trong vòng ít nhất 200 km xung quanh Willendorf.
Là một trong những ví dụ lâu đời nhất của nghệ thuật điêu khắc tượng lấy cảm hứng từ đời thật, tượng thần Venus quá quý hiếm và không thể mạo hiểm nghiên cứu bằng các phương pháp xâm lấn. Do đó, nhóm nhà khoa học sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tia X không xâm lấn để kiểm tra các hạt và trầm tích bên trong món đồ cổ.
Họ xem xét các khối hạt ooid hình cầu trong đá vôi, so sánh chúng với những khối từ mẫu trầm tích đá vôi oolitic tương tự lấy từ nhiều địa điểm thuộc châu Âu. Mẫu đá vôi từ Saga de Ala, một địa điểm ở thung lũng hồ Garda, miền bắc Italy, gần như giống hệt mẫu đá vôi của tượng thần Venus. Điều này cho thấy khả năng cao vật liệu làm tượng bắt nguồn từ phía nam dãy Alps.
Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy tượng thần Venus chứa các mảnh hóa thạch tí hon của động vật hai mảnh vỏ thuộc chi Oxytomidae. Điều đó đồng nghĩa đá vôi có niên đại khoảng 66 triệu - 251 triệu năm, khi Oxytomidae chưa tuyệt chủng. Đá vôi oolite từ miền bắc Italy cũng chứa các mảnh hóa thạch tương tự.
Làm thế nào tượng thần Venus lại xuất hiện ở nơi cách miền bắc Italy hàng trăm km? Các nhà khoa học cho biết, tượng thần Venus gắn liền với cư dân thuộc nền văn hóa Gravettian, xuất hiện cách đây khoảng 30.000 năm và phân bố trên khắp châu Âu. Dù không thể xác định thời điểm thu thập đá vôi, chạm khắc bức tượng và đưa nó từ dãy Alps đến sông Danube, hành trình này có thể kéo dài nhiều thế hệ và cho thấy người Gravettian từng di chuyển rất nhiều.
Thu Thảo (Theo Live Science)