Hai nhà thiên văn học ở Havard cho biết họ đã khám phá ra bí ẩn bao quanh nguồn gốc và bản chất của vật thể va chạm tạo ra miệng hố Chicxulub. Phân tích của họ cho thấy đó là một sao chổi có nguồn gốc từ khu vực gồm nhiều mảnh đá băng ở rìa hệ Mặt Trời và chính sao Mộc đã đẩy nó đâm vào Trái Đất. Theo nhóm nghiên cứu, cứ 250 - 750 triệu năm, va chạm tương tự lại xảy ra.
Nghiên cứu công bố hôm 15/2 trên tạp chí Scientific Reports bác bỏ giả thuyết cũ cho rằng vật thể đâm xuống Chicxulub là mảnh vỡ của một tiểu hành tinh đến từ Vành đai chính của hệ Mặt Trời. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Amir Siraj, sao Mộc rất quan trọng bởi đây là hành tinh có khối lượng lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Sao Mộc đóng vai trò như máy bắn đạn đẩy các sao chổi vào quỹ đạo ở rất gần Mặt Trời. Những sao chổi này đến từ đám mây Oort, lớp vỏ hình cầu khổng lồ bao quanh hệ Mặt Trời giống như bong bóng tạo thành từ nhiều mảnh đá băng vỡ lớn cỡ ngọn núi trở lên. Chúng mất khoảng 200 năm để quay quanh Mặt Trời.
Do đến từ không gian sâu ở vành ngoài hệ Mặt Trời, các sao chổi chứa nhiều băng hơn tiểu hành tinh, được biết tới bởi vệt bụi và khí hình thành khi băng tan chảy. Nhưng theo Siraj, tác động làm bay hơi từ nhiệt độ của Mặt Trời đối với sao chổi bay gần không là gì so với lực thủy triều khổng lồ mà chúng trải qua khi quay một mặt về phía ngôi sao của chúng ta. Kết quả là sao chổi chịu lực thủy triều lớn tới mức phần lớn khối lượng của chúng vỡ thành nghìn mảnh, mỗi mảnh đủ lớn để tạo ra vật thể va chạm trong sự kiện khiến khủng long tuyệt chủng trên Trái Đất.
Siraj và cộng sự Avi Loeb, giáo sư khoa học, phát triển mô hình thống kê cho thấy xác suất sao chổi đâm vào Trái Đất phù hợp với niên đại của Chicxulub và nhiều vật thể va chạm nổi tiếng khác. Giả thuyết trước đây về vật thể do tiểu hành tinh tạo ra không phù hợp về mặt xác suất so với những sự kiện va chạm từng xảy ra.
Một bằng chứng thuyết phục khác về nguồn gốc sao chổi là thành phần cấu tạo của Chicxulub. Chỉ có khoảng 1/10 số tiểu hành tinh đến từ Vành đai chính nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc cấu tạo từ carbon chondrite, trái với phần lớn sao chổi. Miệng hố Chicxulub và nhiều miệng hố khác tương tự như miệng hố Vredefort 2 tỷ năm tuổi ở Nam Phi và miệng hố Zhamanshin triệu năm tuổi ở Kazakhstan, đều chứa carbon chondrite.
Giả thuyết của Siraj và Loeb có thể được kiểm tra kỹ hơn bằng cách nghiên cứu những miệng hố trên cũng như miệng hố trên Mặt Trăng, hoặc đưa tàu thăm dò tới lấy mẫu vật sao chổi. Loeb chia sẻ ông rất hào hứng bởi Đài quan sát Vera Rubin ở Chile sẽ đi vào hoạt động năm sau. Kính viễn vọng này có thể quan sát hiện tượng gián đoạn thủy triều ở sao chổi giúp đưa ra dự đoán cho 100 năm sau.
An Khang (Theo Phys.org)