Nằm cách TP Vinh hơn 15 km, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc rộng gần 7 km2, hàng năm được bồi đắp một lớp phù sa từ kênh nhà Lê. Vùng này lớp bề mặt là đất thịt nặng, sâu gần một mét là các lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đặc điểm này giúp cho nhiều cây ăn quả phát triển xanh tốt, mang hương vị đặc trưng, nổi bật là cam Xã Đoài.
Sách Catholicisme et socíetés asiatiques (Công giáo và các xã hội châu Á) của tác giả Alain Fores xuất bản năm 1988 đề cập nguồn gốc các giống cây nhập vào Việt Nam từ những năm 1800 như: cao su, cà rốt, bắp cải, su hào, cam, chanh... Trong đó người đầu tiên trồng cây cam tại vùng đất Xã Đoài, nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc chính là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), danh sĩ, kiến trúc sư, nhà cải cách xã hội thế kỷ 19.
Nguyễn Trường Tộ quê gốc ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Thời làm quan triều Nguyễn, ông luôn coi trọng cải tiến kỹ thuật nông nghiệp, đặt chức "nông quan" phụ trách về nông lâm thủy sản tại địa phương, phổ biến kiến thức làm vườn cho dân. Với thương nghiệp, ông yêu cầu giao lưu hàng hóa cả ngoại thương và nội thương, mở cửa thông thương và đầu tư, khai thác tiềm năng của đất nước. Nông, lâm, hải sản và khoáng sản được khuyến khích xuất khẩu.
Năm 1864, nhiều lần đi tàu biển sang châu Âu công tác, Nguyễn Trường Tộ thấy thủy thủ mang theo cam, chanh vắt ra làm nước uống tăng sức đề kháng, bù đắp cho việc thiếu hụt rau xanh sau 3-4 tháng lênh đênh trên biển. Bản thân ông cũng được thưởng thức quả cam ngọt thơm, giàu vitamin.
Hiểu rõ công dụng quý của quả cam, ông Nguyễn Trường Tộ mua giống cây đưa về Việt Nam ươm. Sau vài lần về quê khảo sát, ông chọn vùng đất Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc để thử nghiệm, bởi có thổ nhưỡng khác biệt. Năm 1864-1871, thông qua sự giới thiệu của các giám mục, ông mua nhiều túi hạt giống cam Valencia của Tây Ban Nha đem về cùng người dân gieo tại xã Nghi Diên. Cây phát triển xanh tốt, khi đậu quả được gọi là cam Xã Đoài.
Sau khi được Nguyễn Trường Tộ hướng dẫn, người dân xã Nghi Diên bắt đầu nhân rộng giống cam. Khi chín, quả cam Xã Đoài to tròn, căng mọng với màu vàng óng ả. Bên ngoài vỏ có một lớp the mỏng, chỉ cần vết xước nhỏ cũng tỏa hương. Tép cam tươi mọng, vị ngọt thanh dịu nhẹ.
Sách Lịch sử xã Nghi Diên ghi, những năm 1935, khi nhà vua tổ chức hội thi về các loại quả ngon, vật lạ đất Việt, hoa quả nổi tiếng khắp cả nước được đưa về kinh thành. Ông Đậu Đình Văn, người làng Tân Hưng - Xã Đoài, đã dâng vua một cành cam 5 quả. Vua nếm thử, ngạc nhiên vì hương vị quá đặt biệt nên cho gọi người cung tiến vào hỏi nguồn gốc. Vua sau đó ban cho cam Xã Đoài hàm "cửu phẩm", tôn lên hàng thượng đẳng các loài cam.
Kể từ đó, cam Xã Đoài trở thành đặc sản nức tiếng của Nghệ An, được người dân khắp cả nước biết đến, thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa. Nói về hương vị của loại quả này, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào cửa sau.
Ông Phan Công Hưởng, nguyên Phó chủ tịch xã Nghi Diên, cho biết giai đoạn 1970-1980 là thời hoàng kim của cam Xã Đoài, toàn xã trồng gần 60 ha, cam là mặt hàng kinh tế lớn, lợi nhuận cao. Qua thời gian, do thoái hóa gen, các vườn cam bị lão hóa, thu hẹp và chết dần, năm 2015 còn 6 ha.
Nhà chức trách sau đó nghiên cứu nhiều phương án bảo tồn gen, nay dần phục hồi. Năm 2023, toàn xã Nghi Diên có hơn 100 hộ dân trồng cam trên diện tích 30 ha, trong đó 10 ha thu hoạch thường xuyên, doanh thu 17-18 tỷ đồng một năm. Các vườn đều được cấp chứng chỉ OCOP - chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Ông Hưởng hiện sở hữu vườn cam Xã Đoài lớn nhất xã với 200 gốc đã cho thu hoạch. Cây giống được nhân từ cây mẹ đầu dòng bằng phương pháp chiết ghép. Cây cao gần 2 m, cho quả sau 4 năm trồng, mỗi năm một vụ, năng suất 40-70 quả, có cây tốt 100 quả. "Cam Xã Đoài được nhân giống, chiết cành đem trồng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, chỉ cây trồng ở vùng đất Nghi Diên mới cho hương vị đặc trưng ngọt thanh, dịu nhẹ, mùi thơm", ông Hưởng nói.
Các loại cam khác bán theo trọng lượng, riêng cam Xã Đoài bán 50.000-80.000 đồng một quả, có lúc gần 100.000 đồng. Năm được mùa, vườn cam của ông Hưởng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Các gia đình khác sở hữu 1-2 sào, lời 50-100 triệu đồng.
Cuối tháng 12 âm lịch, cam Xã Đoài luôn "cháy hàng" do nhu cầu mua làm quà biếu Tết tăng mạnh. Theo ông Phan Công Dương, Chủ tịch xã Nghi Diên, năm nay do mưa nhiều vào giữa vụ và sương muối cuối vụ nên cây sinh trưởng kém, năng suất các vườn giảm 50% so với dự kiến, tuy nhiên giá vẫn ở mức ổn định 70.000-80.000 đồng một quả, gần Tết tăng nhẹ.
Nhiều năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập đề án khoa học, nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen quý của cam Xã Đoài, phục tráng và áp dụng các giải pháp chọn giống hiện đại để tạo ra giống cây thuần chủng, sạch bệnh.
Nhà chức trách đang quy hoạch mở rộng diện tích trồng cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên lên hàng trăm ha, ưu tiên những vùng đất có thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, cơ sở hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư thuộc xóm 7, 8, 9, vùng đường tránh TP Vinh và các hộ đang sở hữu cây cam quý.