Sau đó, bố bế bé nhỏ nhất ra vái trước bàn thờ, để báo cáo với tổ tiên nhà có một thành phần nhỏ nhất, xin hiện diện để bảo đảm sự tiếp nối của gia đình, gia tộc. Sau đó, ông bà, cha mẹ sẽ dùng lời tốt đẹp, chúc mừng cho các cháu, các con năm nay sẽ đạt nhiều thành tích mới.
Mua may bán dại
Ở nhiều làng xưa, vào dịp giao thừa, thường cho một người đi khắp làng, vừa đi vừa hô to: ai mua dại, mua ngốc, mua đớ không? Rao khắp quanh làng và tất nhiên là không ai mua cả. Rao như thế là có ý nghĩa: tống khứ cái cũ, cái ngu ngốc, hư bại, nhắc cho mọi người phải đoạn tuyệt với cái sai lầm không may mắc phải trong năm cũ.
Xúc xắc xúc xẻ
Sau giao thừa, ở các làng thường có những đoàn trẻ con (có người lớn hướng dẫn) mỗi em cầm một ống gọi là ống xúc xắc hoặc cái lục lạc đi khắp xóm, gõ cửa vào các nhà. Chỉ là đi làm vui, đi chúc Tết. Câu hát rất được nhớ đến: Xúc xắc xúc xẻ…/Nhà nào còn đèn còn lửa/Mở cửa cho chúng tôi vào.
Bà con dân tộc Mường cũng có phong tục này, gọi tiếng dân tộc là Xặcpua. Trò chơi được phát triển, gọi là hát sắc bùa. Chủ nhân các gia đình, đón tiếp phường xúc xắc xúc xẻ rất là thiện cảm, mời uống rượu, ăn quà và còn thưởng tiền.
Hái lộc
Sau khi lễ giao thừa, gia đình ăn cỗ cúng giao thừa, cùng nhau ngâm thơ, đọc câu đối. Đến khoảng mờ sáng thì cũng ra cửa, gọi là xuất hành đầu năm, để cùng đi hái lộc. Có nhà ít người thì đi hái lộc vào lúc nửa đêm cũng được, chỉ ra quanh vườn hoặc ra ngoài ngõ. Nhà đông người ở gần rừng núi thì người ta cũng lên núi hái lộc. Hái lộc tượng trưng thôi, tránh không làm hại đến cây. Chỉ chọn những cành lá non xanh, giữ lấy trong tay, xem là được nhận một hiện vật tinh khôi của trời đất vào ngày xuân mới. Cũng là một ngụ ý về tình cảm thiên nhiên và về sự gửi gắm ước mơ, hy vọng. Các gia đình ngày xưa đi hái lộc thường phải đi xa, lên các đỉnh núi, sườn núi. Họ có thể làm tượng trưng, mà lượm lặt một cây thuốc về bảo quản trong nhà, hoặc để làm đồ uống (người ta gọi là chè núi). Cả gia đình cùng đi hái lộc là để cùng tìm cái phúc (tượng trưng) cho gia đình, để thể hiện tình cảm gắn bó của gia đình (có khi là của gia tộc).
Đọc hương ước
Tục lệ đầu năm này ở hương thôn, thật là đẹp, ngày nay không biết có thể áp dụng được không, vì gần đây nhiều làng xã đã xây dựng được những quy ước làng xã (được chính quyền các cấp duyệt y). Ngày xưa, những điều lệ này được gọi là hương ước. Điều lệ rất dài, có bản gồm đến ba bốn chục điều khoản. Do vậy mà nhiều làng đã phải nhờ những nhà khoa bảng đúc kết lại thành một bản văn vần (theo lối phú, hay thành thơ lục bát). Những bản như thế được gọi là các bài văn hương ước. Văn này phải đọc lại cho toàn thể dân làng nghe vào dịp đầu xuân.
Sau khi vị tiên chỉ áo mũ chỉnh tề, bái lạy thắp hương dâng rượu lên hương án của Thành hoàng, một vị tư văn được cử ra, đọc toàn văn bài thúc ước cho toàn thể dân làng nghe. Bài được viết theo lối văn biền ngẫu, nhắc nhở mọi người phải nhớ nhiệm vụ công dân, phải giữ gìn trật tự, phải chống tham ô, nhũng lạm.
(Theo Nhân Dân)