Theo thống kê của Nielsen, 38,2 triệu người ở Mỹ đã theo dõi trên 16 mạng truyền hình khi Tổng thống Joe Biden lần đầu đọc thông điệp liên bang trước quốc hội tối 1/3. Con số này cao hơn mức 26,9 triệu người theo dõi khi ông đọc thông điệp thường niên tại phiên họp chung của quốc hội tháng 4/2021.
Mối quan tâm tới tình hình Ukraine được cho là yếu tố góp phần làm tăng lượng người xem bài phát biểu của Biden. Khi Biden đọc thông điệp liên bang, Fox News có lượng người xem lớn nhất với 6,9 triệu, ABC với 5,9 triệu và CNN với 4,6 triệu.
Tuy nhiên, tổng số người xem Tổng thống Biden đọc thông điệp liên bang thấp hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Ba bài phát biểu đầu tiên của Trump trước các phiên họp chung của quốc hội đã thu hút 45-48 triệu người xem. Lượng khán giả xem lần đọc thông điệp liên bang cuối cùng của Trump giảm xuống còn 37 triệu.
Trong thông điệp liên bang năm nay, Biden nhắc đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đại dịch Covid-19, chính sách thuế, cơ sở hạ tầng và bày tỏ lạc quan về tương lai. Ông nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine, song tái khẳng định Washington sẽ không triển khai binh sĩ tới nước này tham chiến.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ chưa thể tìm thấy đáp án cho những câu hỏi được xem là khó nhất, như Mỹ sẽ làm gì tiếp theo với Nga và tương lai trật tự thế giới chủ yếu do Mỹ thiết lập sẽ ra sao.
Về đối nội, ông Biden tuyên bố muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, không phải hạ lương của người Mỹ, đồng thời công bố sáng kiến "Thử nghiệm để Điều trị" mới nhằm ứng phó với tình hình Covid-19 ở Mỹ.
Thống đốc Kim Reynolds của bang Iowa, một thành viên đảng Cộng hòa, bày tỏ lo lắng sau thông điệp liên bang của Biden.
"Tôi đã lắng nghe với tư cách là thống đốc bang, là một người mẹ và người bà của đứa cháu 11 tuổi. Tôi lo đất nước chúng ta đang đi sai hướng", bà phát biểu trên truyền hình. "Đã hơn một năm nhiệm kỳ, nhưng thay vì đưa nước Mỹ tiến lên phía trước, tôi có cảm giác Tổng thống Biden và đảng của ông ấy đã đưa chúng ta quay ngược thời gian trở lại những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, khi lạm phát đeo bám các gia đình, làn sóng tội phạm bạo lực càn quét các thành phố".
Huyền Lê (Theo CNN)