Chiều 12/7, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm đối với 6 bị cáo trong vụ án nổ súng do tranh chấp đất rừng làm 3 người chết và 13 người bị thương xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông hai năm trước.
Theo đó, tòa bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến (42 tuổi, quê Lạng Sơn) về tội Giết người. HĐXX cho rằng hậu quả mà Hiến gây ra là quá lớn, không có tình tiết để xem xét giảm án.
Cùng tội danh, Ninh Viết Bình (36 tuổi) được giảm án từ 20 năm xuống 18 năm tù, Hà Văn Trường (35 tuổi) từ 12 năm xuống 9 năm tù. Riêng Đoàn Văn Diện (39 tuổi), người giúp Hiến bỏ trốn sau vụ nổ súng, bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 tháng tù giam về tội Che giấu tội phạm, nay được cho hưởng án treo.
Nghiêm Xuân Thiên Sửu (nguyên Phó giám đốc Công ty Long Sơn) được giảm từ 6 năm xuống 4 năm tù, Phạm Công Thiện 4 năm xuống 2 năm tù cùng về tội Hủy hoại tài sản.
Sau khi tòa tuyên án, hàng chục người thân của các bị cáo vây trước cửa ra vào phòng xử án, buộc lực lượng chức năng phải đưa bị cáo rời tòa bằng cổng sau. Nhiều người thân bị cáo Đặng Văn Hiến đã khóc lóc, quỳ xuống xin HĐXX xem lại bản án. Họ cho rằng bản án tuyên đối với Hiến là quá nặng.
Theo cáo trạng, đầu năm 2008, UBND Đăk Nông giao hơn 1.000 hecta đất rừng để làm dự án lâm nghiệp tại địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho Công ty Long Sơn. Đến tháng 6/2013, dự án được nhượng cho Nguyễn Xuân Thiên Sửu.
Trong quá trình thực hiện dự án, Sửu và một số hộ dân xâm canh bắt đầu có mâu thuẫn do tranh chấp đất đai ở khu vực thực hiện dự án nhưng chính quyền chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Ngày 23/10/2016, Sửu gọi Thiện huy động khoảng 30 công nhân, bảo vệ mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà Hiến và hai hộ dân khác. Phát hiện, Hiến lấy súng săn chạy ra chặn lại và bắn chỉ thiên thì bị hàng chục người của Công ty Long Sơn ném đá.
Thấy thất thế, Hiến cùng Bình chạy vào nhà và rẫy hàng xóm xả đạn về nhóm người Công ty Long Sơn. Lúc này, Trường chạy đến tiếp đạn cho Hiến bắn.
Sau khi gây án, Hiến và Trường bỏ trốn xuống Bình Phước gặp Diện. Tại đây, Hiến nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đến khu vực khác lắp vào máy gọi điện cho tổng đài để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Sau nhiều ngày bỏ trốn, Hiến ra đầu thú.
Sau phiên tòa sơ thẩm đầu năm nay, Hiến làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cho rằng mức án tử hình mà tòa tuyên chưa xem xét hết các tình tiết khách quan, mối quan hệ giữa hành vi phạm tội của bị cáo với tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của những bị hại là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.
Thiện Nhân