Phước Bình là xã xa nhất tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Rang 70 km, giáp Lâm Đồng và Khánh Hòa. Dân cư chủ yếu là người Raglai, có nguồn gốc cư trú lâu đời. Ngày xưa, người dân ở đây chủ yếu canh tác cây lúa và hoa màu là chủ lực, gần đây họ trồng thêm loại cây mới: chuối hột rừng.
Tuần rồi, Katơh Thị Loan, 25 tuổi, lên thăm rẫy chuối rộng gần nửa hecta giáp bìa rừng. Rẫy này gia đình canh tác hoa màu nhiều năm nhưng không hiệu quả, do khỉ và sóc rừng thường xuyên về phá hoại. Hai năm trước, Loan thay thế bắp, đậu bằng cây chuối rừng lấy hột.
Lứa đầu, Loan trồng 500 cây. 18 tháng sau, chuối bắt đầu cho thu hoạch. Lên rẫy, thấy quày (buồng) nào có lá phủ quanh đã héo, tức là chuối đã già, Loan chặt xuống, gùi về. Dú vài ngày cho quả chín muồi, Loan tách lấy hột. Mỗi buồng cho khoảng 2-2,5 kg hột khô.
Hiện, Loan bán tại điểm thu mua trong làng với giá dao động 100.000-120.000 đồng một ký. Chuối trong rẫy cho thu hoạch lai rai. Năm rồi, gia đình thu hoạch được gần 700 kg, bán được 70 triệu đồng, một nguồn thu nhập khá ở vùng núi này. "So với cây trồng truyền thống, trồng chuối hột rừng không vất vả lắm, nhưng lại cho thu nhập tốt", Loan nói.
Không những gia đình Loan, nhiều hộ dân khác trong làng cũng trồng loại chuối này. Ông Đa Rúi Hà Dung, 43 tuổi, có hơn hecta đất triền núi. Thấy trồng bắp, trồng đậu không có lãi, ông quyết định chuyển đổi. Rẫy chuối gần 1.000 cây hiện đã cho thu hoạch năm đầu tiên, trừ chi phí, ông lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Dung, trồng chuối hột rừng rất khỏe công và ít vốn đầu tư. Hạt chuối được lấy trong rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Phước Bình, mang về gieo vãi trên đất rẫy. Mùa mưa, cây con mọc lên. Chỗ nào cây con dày sẽ được bứng ra trồng vào nơi thưa thớt.
Giống chuối rừng mọc tự nhiên như cây dại, nên không cần bón phân và phun thuốc dưỡng. Thậm chí, trong vườn, nếu cỏ mọc dày, ông Dung dùng rựa hoặc máy phát cỏ để dọn dẹp chứ không dùng thuốc diệt cỏ. "Nếu mình phun thuốc cỏ, hạt chuối đang nằm dưới đất sẽ hông thể mọc lên cây con cho lứa tiếp theo", ông Dung nói.
Ông Đa Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết, loài chuối này rất lạ, chỉ mọc bằng hột. Cây chuối mọc tách biệt, cao 3-4 m, sau khi ra buồng sẽ già và chết, không nảy cây con như các loại chuối khác, nên được gọi là "chuối cô đơn" hoặc "chuối mồ côi".
Từ xưa, người Raglai đã biết dùng hột chuối rừng làm phương thuốc dân gian, ngâm rượu hoặc sắc nước uống, hỗ trợ chữa bệnh đau lưng nhức khớp, sỏi thận, phù thũng, giúp ăn ngon ngủ ngon, lợi tiểu, phòng ngừa bệnh gan và tiểu đường...
Trước đây, người dân thường lên rừng tìm chuối rừng chín mang về, rồi mang ra suối rửa cho trôi phần cơm, lọc lấy hạt mang về bán. Vài năm trở lại đây, người dưới xuôi lên săn lùng mua nhiều. Khi hạt chuối trên rừng khan hiếm, dân làng đã nảy ra ý tưởng mang hạt từ rừng xuống rẫy trồng, không ngờ lại thành công.
Hiện xã Phước Bình hiện có khoảng hai mươi gia đình chuyên canh mồ côi (diện tích từ 5.000 m2 đến một hecta) với tổng diện tích hơn chục ha. Ngoài ra, gần cả trăm hộ khác trồng khoảng hai sào (2.000 m2) trở lại, xen vào các loại cây trồng có sẵn, nên chưa được thống kê chính thức.
"Xác định đây là cây trồng góp phần tăng thu nhập cho bà con, nên địa phương đang khuyến khích mở rộng thêm diện tích", ông Phước cho hay.
Theo ông Phước, chuối hột rừng Phước Bình được nhiều nơi trong nước biết đến, thậm chí đã xuất khẩu ra nước ngoài. Các thương lái từ miền xuôi thường xuyên lên đây mua, mang đi phân phối khắp nơi, do đó bà con hiện không lo đầu ra.
Việt Quốc