Theo nghị định nói trên, người hiến phải nằm trong độ tuổi 20-55 (nếu cho tinh trùng) và 18-35 (cho trứng). Họ phải có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm hay di truyền. Các cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải tư vấn đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lấy tinh trùng, trứng và giữ bí mật thông tin về người cho, người nhận.
Văn bản cũng nghiêm cấm nhân bản vô tính người và cấm mang thai hộ (vấn đề đã gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua). Theo đó, trẻ ra đời nhờ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân. Các trẻ này không được quyền yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, trứng và phôi.
Ngày 14/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Dân số vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhằm đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên. Pháp lệnh có hiệu từ ngày 1/5.
Tuổi Trẻ