Ngày 14/3, hai vợ chồng chị cùng lên bàn mổ. Bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy một quả thận của chị, ghép vào cơ thể anh. Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận ghép được tưới máu ngay, không ghi nhận biến chứng ở cả người nhận lẫn người cho.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết sau nhiều năm lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc), thận bệnh nhân nam diễn tiến xấu dần nên gần đây phải chuyển sang chạy thận tại bệnh viện một tuần 3 lần. Người thân có nguyện vọng hiến tạng giúp bệnh nhân thoát cảnh lọc máu suốt đời.
Thông thường, các bác sĩ khuyến khích ghép thận cùng huyết thống như bố mẹ cho con, anh chị em cho nhau, vì độ tương thích và phù hợp cao hơn so với không cùng huyết thống. Bố mẹ bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng, song ông bà có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Anh chị em bệnh nhân cũng có bệnh nền.
Người vợ quyết định hiến một quả thận, không chỉ là cứu chồng mà còn giúp hai con không phải chịu cảnh mất bố, được lớn lên bên cạnh bố mẹ. "Với tâm thế như vậy, người vợ bước vào cuộc mổ rất thoải mái, vui vẻ", bác sĩ Bách nói.
Hiện nay, ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu. Chạy thận nhân tạo, người bệnh phải vào viện liên tục, trường hợp thẩm phân phúc mạc ở nhà phải thay xả dịch vài giờ một lần. Trường hợp ghép thận, bệnh nhân có thể khỏe mạnh quay lại cuộc sống bình thường, với việc duy trì uống thuốc chống thải ghép.
PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết đây là ca ghép thận thứ 11 của bệnh viện. Trong đó, 9 trường hợp là người cho cùng huyết thống như bố mẹ, anh chị em cho nhau. Một trường hợp trước đó cũng là vợ cho chồng, tức không cùng huyết thống, nay hồi phục tốt.
"Với người hiến sống, chúng tôi phải chuẩn bị thật tốt, thật chu đáo cho cả hai, bảo vệ quả thận còn lại của người cho sống thật tốt, sẽ áp lực hơn nhiều so với nguồn tạng từ người hiến chết não", bác sĩ Quế nói, thêm rằng nguồn tạng từ người hiến chết não tại Việt Nam còn khá khiếm tốn, đa số tạng ghép là từ người cho sống. Trên thế giới, nguồn tạng từ người hiến chết não chiếm tỷ lệ cao, giúp nhiều người suy tạng giai đoạn cuối vượt qua bệnh tật.
Lê Phương