Anh Trần Văn Vách 50 tuổi ở Tiền Giang phát hiện bị bệnh viêm gan B năm 2014. Bệnh chuyển biến khá nhanh tiến triển đến xơ gan và ung thư gan ngay sau đó.
Năm 2014, anh cắt bỏ một phần gan bị ung thư nhưng tình trạng xơ gan ngày càng nghiêm trọng. Bác sĩ thông báo nếu không được thay lá gan mới, thời gian sống còn lại của anh Vách chỉ được tính bằng tháng. May mắn, kết quả xét nghiệm cho thấy chị Trương Kim Hường vợ anh Vách là người có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe phù hợp để hiến gan.
Nghĩa tình vợ chồng khiến người phụ nữ mạnh mẽ quyết định hy sinh một phần cơ thể của mình để cứu chồng. Chia sẻ trước ca mổ, chị Hường cho biết không cảm thấy sợ hãi hay lo lắng khi đưa ra quyết định này, ngược lại còn rất vui mừng.
"Gia đình sẽ không vẹn toàn khi thiếu đi một người. Điều tôi quan tâm nhất là sức khỏe của chồng được phục hồi và cuộc sống lâu dài của hai đứa con thơ rất cần bố bảo ban dạy dỗ", câu nói của người vợ khiến các y bác sĩ cảm động. Hai đứa con của vợ chồng chị chỉ mới 11 tuổi và 7 tuổi.
Anh Vách lại đắn đo vì lo lắng cho sức khỏe của vợ sẽ yếu đi khi hiến gan. Anh sợ ca ghép không thành công thì vợ mất đi lá gan còn anh vẫn không giữ được sự sống. "Hai vợ chồng bàn bạc nhiều lắm, nhưng bà xã kiên quyết và nhìn con còn nhỏ dại, tôi mới chấp nhận", người chồng chia sẻ. Anh xúc động nói với người vợ: "Một phần thân thể của em là tình yêu vô giá. Anh chọn cưới em là điều đúng đắn nhất trong cuộc đời".
Ca ghép gan cho anh Vách được thực hiện ngày 16/6 và kéo dài trong 8 giờ. 50 bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và các chuyên gia đến từ Bệnh viện ASAN Hàn Quốc đã tiến hành phẫu thuật cắt một nửa lá gan của chị Hường và ghép cho anh Vách. Một tuần sau, chị Hường xuất viện và quay trở lại để chăm sóc chồng. Còn anh Vách đã có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và sinh hoạt bình thường sau một tháng.
Đây là ca ghép gan đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thực hiện thành công từ người cho sống.
Bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy cho biết, gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Sức khỏe chị Hường không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan.
Về phía anh Vách, phần gan ghép đã được cơ thể anh dung nạp tốt. Sự thành công của ca phẫu thuật ghép gan giúp người bệnh có 80% khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có thể khỏi hẳn viêm gan B. “Hiện tại sức khỏe anh Vách đã ổn định và xuất viện. Anh tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép”, bác sĩ Duy Long nói.
Bác sĩ cho biết thêm, chi phí của ca ghép tại bệnh viện ước tính chỉ bằng 1/5 chi phí người bệnh và gia đình phải trả khi ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện ca ghép ngay tại Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh, người hiến và gia đình không tốn kém thời gian, chi phí đi lại, sinh hoạt ở nước ngoài, cũng như thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc phục hồi và tái khám sau ghép.
Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nếu suy gan, ung thư hay các biến chứng nặng nề khi sử dụng thuốc điều trị thì ghép gan là giải pháp tối ưu. Có 15% người Việt bị nhiễm virus viêm gan B, nếu phát hiện trễ hoặc bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị, khi tiến triển xơ gan sẽ rất khó khăn.
Anh Vách chia sẻ thêm, trong gia đình, ngoài anh còn hai người anh nữa cũng bị viêm gan B. Một người anh trai đã được ghép gan năm 2014 với gan được con trai hiến tặng. Tới nay, người anh này đã khỏe mạnh và đi làm bình thường.
Sau ca ghép gan thành công này, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sẽ tiến hành thêm hai ca ghép nội tạng khác. Trong đó, một trường hợp cô con gái hiến tạng cứu cha và trường hợp kia con trai cứu mẹ.