Team châu Phi, nhóm có 4 thành viên là người Việt đang sinh sống, làm việc ở Angola, gần đây gây chú ý với các hoạt động làm thiện nguyện, hỗ trợ người dân bản địa do Phạm Quang Linh, người sáng lập "Quang Linh Vlogs - Cuộc sống châu Phi", dẫn dắt. Hồi đầu năm, Team châu Phi đã khiến nhiều người thán phục khi canh tác thành công giống lúa nước ở châu Phi.
Người đầu tiên trong nhóm nêu ý tưởng trồng lúa nước ở châu Phi là anh Đỗ Văn Linh (Linh Philip), 37 tuổi, sang Angola xuất khẩu lao động từ năm 2012. Trong khi Quang Linh là người phân phối đầu việc cho anh em trong nhóm, Văn Linh lại chịu trách nhiệm chính tại trang trại Việt Phi Farm ở huyện Bailundo, cũng là trang trại đầu tiên canh tác thử nghiệm thành công hạt giống lúa nước ở Angola.
Văn Linh cho biết năm 2023, khi hay tin có người Việt đến tặng quà, giúp dân bản địa trồng cây lương thực, Phó chủ tịch và Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bailundo đã đến gặp và dẫn anh tới khu đất gần suối, có thể canh tác được vào mùa khô.
Hai quan chức Angola muốn Văn Linh canh tác trên thửa đất này, thu hút người dân ở hai bản Bota và Chipipa lân cận đến làm việc, dạy họ "mọi thứ về nông nghiệp". "Khi xem xét thực địa, tôi đồng ý nhận lời dạy dân địa phương canh tác theo hình thức của người Việt", anh nói với VnExpress.
Theo Văn Linh, văn hóa làm nông hiện nay của người dân Angola có từ thời thuộc địa Bồ Đào Nha, chỉ làm việc vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, còn mùa khô sẽ không canh tác gì.
"Họ chỉ gieo hạt vào mùa mưa, còn cây lên tốt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, cũng không dùng phân chuồng, càng không dùng phân lân, đạm như Việt Nam", anh giải thích.
Sau khi Văn Linh nhận lời, hai quan chức huyện Bailundo giới thiệu anh với các trưởng thôn lân cận. Dân trong bản khi đó đã biết về hoạt động thiện nguyện của Team châu Phi nên chào đón rất nồng nhiệt. Các trưởng thôn cử con trai kêu gọi người dân đến làm cỏ, phát quang đất để hỗ trợ nhóm.
Sau khi cải tạo đất, đào mương, Văn Linh hướng dẫn bà con trồng vụ ngô đầu tiên. Do còn khó khăn, vụ đầu chỉ thu hoạch được 10 tấn ngô, chia đều cho người dân hai bản.
Nhận thấy bà con cần có "cần câu cơm" về lâu dài, Văn Linh khởi xướng ý tưởng trồng lúa nước. Năm 2022, một số thành viên Team châu Phi về Việt Nam mang hạt giống lúa nương sang thử nghiệm, song không thành công do gieo hạt vào mùa khô, thời điểm ban ngày hanh khô, ban đêm lạnh giá.
Không từ bỏ ý định trồng lúa Việt Nam ở châu Phi, Văn Linh về Bắc Giang tìm mua giống lúa mới. Sau khi học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp từ gia đình, anh quyết định chọn Khang Dân, bởi đây là giống lúa thuần chủng, có thể canh tác qua nhiều vụ mà không ảnh hưởng đến chất lượng giống.
"Nhiều người khi đó gạt đi, nói lúa nương không thành, chưa chắc lúa nước đã ổn", anh chia sẻ. "Nhưng tôi tự động viên mình: Thành công thì nở mày nở mặt, thất bại thì coi như một bài học, chứng tỏ lúa nước Việt Nam không thể phát triển được ở Angola, khi đó sẽ chuyển hướng sang canh tác ngô, khoai, sắn".
Tháng 11/2023, giữa mùa mưa ở Angola, Văn Linh mang thóc ra ngâm, gieo mạ thử nghiệm trên 4 sào ruộng. Trong những ngày đầu, anh liên tục phải kiểm tra mạ. "Tôi rất lo lắng, không biết liệu Khang Dân có hợp thổ nhưỡng, khí hậu châu Phi hay không? Chưa kể nếu gieo thành công, có sâu bệnh, lấy đâu thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng", anh kể.
Mạ Khang Dân khi gieo xuống đã phát triển từng ngày, khiến anh thêm tự tin. Tết 2024, anh về Việt Nam thêm một tháng để tham vấn kinh nghiệm các chuyên gia rồi quay lại châu Phi, mang theo nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đúng lúc lúa chuẩn bị trổ đòng.
Đến tháng 4, lúa chín, Văn Linh cùng mọi người gặt, tuốt, phơi đủ ba nắng, thu được 1,5 tấn thóc. Anh chia cho mỗi thành viên Team châu Phi 40 kg thóc để làm giống gieo thử nghiệm vào mùa khô.
Những thành viên nổi bật trong nhóm, có trang trại canh tác tại Angola như Nguyễn Văn Đông (Đông Paulo), Hùng Kaka, Thế Nhân, Quang Dũng, Công Giáp... đều gieo thóc giống vào đầu tháng 6 để thử nghiệm khả năng sinh trưởng của lúa Khang Dân vào mùa khô châu Phi.
"Chúng tôi giữ lại 7 bao thóc, phòng trường hợp thử nghiệm mùa khô thất bại, anh em vẫn còn thóc giống để cấy vào mùa mưa. Số còn lại tôi xát thành gạo chia cho dân hai bản, mỗi nhà một ít", Văn Linh kể.
Anh cũng khuyến khích bà con tiếp tục gieo thử nghiệm, tin rằng nếu dự án thành công, mọi người sẽ có gạo ăn, không còn nỗi lo thiếu lương thực vào mùa khô nữa. Khi thấy Văn Linh thành công trong thử nghiệm đầu tiên, "nói được làm được", người dân hai bản càng hưởng ứng nhiệt tình.
Anh hướng dẫn 10 tổ trưởng về kỹ thuật ngâm, ủ mạ, chuẩn bị đất trước khi gieo, để họ truyền đạt lại với bà con.
"Toàn bộ vụ này là do phụ nữ hai bản cấy, có khi lên đến 70 người làm việc trên trang trại 100 ha", Văn Linh cho biết. Nhiều người xem kênh YouTube cùng các chuyên gia nông nghiệp ở Việt Nam cũng liên lạc, tư vấn thêm cho nhóm về kỹ thuật canh tác.
Nhưng mùa khô châu Phi dường như quá khắc nghiệt so với lúa Khang Dân. Nhiệt độ ban đêm ở Angola mùa này có lúc hạ xuống 5-6℃, khiến cây lúa không phát triển được. Phần lớn trang trại thuộc Team châu Phi đã phải nhổ bỏ lúa để dồn sức cho vụ cấy mùa mưa.
"Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng thời tiết sẽ rất khắc nghiệt và đây cũng không phải thất bại đầu tiên. Tôi và anh em trong nhóm luôn tin rằng thất bại là mẹ thành công, là cơ sở để chúng tôi đẩy mạnh trồng hoa màu thay thế lúa vào mùa khô năm tới", Văn Linh cho hay.
Mùa mưa năm nay ở Angola bắt đầu từ tháng 10, muộn hơn so với bình thường. Toàn bộ trang trại thuộc Team châu Phi đã bắt đầu gieo mạ, xác định đây sẽ là vụ mùa trọng điểm.
"Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Việt Phi Farm đã gieo cấy mạ trên diện tích gấp 10 lần năm ngoái. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tình hình rất khả quan. Chúng tôi hy vọng năm nay sẽ bội thu như năm trước, đem lại ấm no cho bà con", Văn Linh nói.
Đức Trung