Chiều 14/1, căn phòng rộng vài chục mét vuông của một tòa nhà trên phố Tây Sơn (Hà Nội) gần như chật kín bởi những người tham dự cuộc hội thảo do một trong những diễn đàn lớn nhất về Bitcoin tại Việt Nam tổ chức. Ghi danh tại bàn đăng ký có đến hơn 80 người, từ dân công nghệ thông tin, sinh viên các trường kỹ thuật, luật sư, doanh nhân... và cả Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - Vũ Hoàng Liên.
"Sự quan tâm về Bitcoin của người Việt ngày càng lớn", anh Lê Huy Hòa - người được các thành viên diễn đàn coi là một chuyên gia về Bitcoin nhận định. Từng quản lý ở một công ty phần mềm lớn, anh Hòa đã nghỉ hẳn để đi đầu tư Bitcoin và cho biết đang sống tốt nhờ công việc này.
David Học, một thành viên khác từng nhiều năm "chơi Forex" (ngoại hối) thì cho biết ở Việt Nam hiện có 3 dạng đầu tư kiếm tiền chính từ Bitcoin là đơn thuần đào và khai thác, đầu tư giá lên hoặc mua bán Bitcoin như một đại lý.
Tiền ảo Bitcoin được tạo ra từ các thuật toán, được xử lý bởi hệ thống máy tính ngang hàng của chính người dùng. Quá trình xử lý số liệu được gọi là "mining" và thuật toán được thiết lập để ngày càng khó "đào" được Bitcoin, trong khi đó tổng số đồng được tạo ra tối đa là 21 triệu. Quy tắc này nhằm đảm bảo không ai có thể phát hành ồ ạt, làm giảm giá những đồng tiền đang lưu thông. |
Nghề "đào" Bitcoin không mới ở Việt Nam. Theo anh Lê Huy Hòa, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Khi đó, việc đào Bitcoin còn khá đơn giản, chưa phức tạp như hiện nay, khi máy tính thông thường không thể đào được. Để có được Bitcoin, người chơi phải đầu tư hệ thống máy tính có bộ vi xử lý cực mạnh, với nhiều card đồ họa để giải các thuật toán sinh ra tiền ảo. Hiện nay số tiền bỏ ra để đầu tư một hệ thống đào được Bitcoin có thể lên đến cả trăm triệu đồng, chưa kể số tiền điện phải trả để chạy hệ thống này. "Tuy nhiên, thời điểm này người đào Bitcoin vẫn có khả năng có lời, nếu đáp ứng một số điều kiện như mua được máy móc và điện giá rẻ", anh Hòa phân tích.
Ngược lại, một số ý kiến khác lại cho rằng người mới không nên nhập cuộc vào thời điểm này bằng cách đào Bitcoin, bởi độ khó đã tăng lên rất nhiều. Hiện trên thế giới, xu hướng "đào" mới chỉ xuất hiện tại những quốc gia có giá điện rẻ như Iceland. Thậm chí nhiều nhóm lớn đã nghĩ đến việc dùng năng lượng gió để giảm chi phí. Ngược lại, nếu đào Bitcoin tại các nước có giá điện đắt, thời gian hoàn vốn có thể lên đến hàng năm trời và chịu rủi ro khi đồng tiền này rớt giá.
Ngoài đào Bitcoin, một số người khác kiếm tiền nhờ việc đầu tư giá lên, mua gom và chờ khi đủ lời nới bán. Anh David Học tự nhận mình là một nhà đầu tư dạng này. "Có thời gian cứ ai bán là tôi mua hết, tiền không đủ thì huy động 5 anh em trong nhà cùng mua. Tôi từng có trong tay mấy chục Bitcoin một lúc", anh Học cho biết. Khoản đầu tư này mang lại cho anh số lãi không nhỏ, khi đồng tiền lên giá hàng trăm lần trong vài năm, lên hơn 1.000 USD một đơn vị. Anh Học dự đoán loại tiền này sẽ còn lên giá nữa, có thể đạt 6.000 USD trong vài năm tới.
Trong khi đó, nhiều nhóm khác ở Việt Nam kiếm tiền bằng cách mua đi bán lại Bitcoin để ăn chênh lệch. Hiện có trên dưới chục website được lập ra chỉ để quảng cáo mua và bán sản phẩm ảo này này. Có website cam kết mọi giao dịch sẽ được hoàn tất sau 5 phút. Người mua chỉ cần chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng và sẽ được nhận Bitcoin.
Giá bán Bitcoin ở Việt Nam đang ở quanh 20,5 triệu đồng, cao hơn 2 đến 3 triệu đồng so với giá mua. Điều này có nghĩa là trung gian ở giữa sẽ ăn lời một khoản tương ứng cho mỗi đồng Bitcoin giao dịch. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của đồng tiền cũng khiến nhiều người lo ngại về mức độ rủi ro của nó. "Nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng rơi giá của Bitcoin. Khả năng này không phải là không có cơ sở. Thậm chí có người còn cho rằng giá có thể rớt về còn vài ba USD", một chuyên gia về Bitcoin chia sẻ.
Thực tế cho thấy giá Bitcoin hiện phụ thuộc nhiều vào các tin tức, chính sách liên quan. Chẳng hạn sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cấm các định chế tài chính giao dịch bằng đồng Bitcoin hồi cuối 2013, ngay lập tức loại tiền này rơi giá 20%. Tại Việt Nam hiện nay, cũng chưa có quy định nào của cơ quan quản lý chế tài những giao dịch liên quan đến đồng tiền ảo này. Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia về lĩnh vực thanh toán nhận định trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến Bitcoin, sẽ rất khó xác định cơ quan đứng ra phân xử, bảo vệ quyền lợi cho các bên.
Trong khi nhiều người đang "sôi sục" tìm cách kiếm lời từ trào lưu Bitcoin, một số doanh nhân, người bán hàng chỉ muốn nhìn nhận Bitcoin trên phương diện là một công cụ thanh toán. Anh Bùi Huy Kiên, Giám đốc công ty đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin ở Việt Nam cho biết anh vừa nhận được khoảng 0,03 Bitcoin (bằng 550.000 đồng) doanh thu quảng cáo. "Đây là giao dịch thanh toán bằng Bitcoin đầu tiên ở Việt Nam. Tôi tin trong tương lai sẽ có thêm nhiều nơi chấp nhận thanh toán bằng phương tiện này vì tiện dụng của nó", anh Kiên nói.
Thanh Bình