Những ngày gần đây, khi thời tiết miền Bắc bất chợt chuyển sang kiểu nóng ẩm và gây nồm, nhiều người đã bắt đầu tìm mua các loại máy hút ẩm cho gia đình. Lúc này cũng là khoảng thời gian thích hợp để mua máy hút ẩm bởi chỉ vài tuần nữa, khi bắt đầu chuyển sang mùa xuân, sự khó chịu của thời tiết nồm ẩm càng mạnh khiến giá sản phẩm này tăng cao và lượng hàng có thể không đủ cung cấp cho thị trường.
"Nhà tôi đã có dấu hiệu nồm mấy ngày qua gây khó chịu. Mấy tháng nữa, nhất là quãng thời gian Tết mọi thứ có thể sẽ tệ hơn. Tôi đang tìm mua máy hút ẩm nhưng giá cả và các kiểu loại quá nhiều và phức tạp", chị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
"Vợ tôi đang giục mua máy hút ẩm cho gia đình. Có người bạn khuyên nên mua hàng nội địa Nhật thay vì đồ mới, nhưng tôi nghĩ đồ gia dụng dùng rồi sao tốt bằng loại chưa 'bóc tem' được", anh Phạm Thành chia sẻ quan điểm trên Facebook.
Máy hút ẩm là thiết bị có tác dụng cân bằng độ ẩm trong không khí, được sử dụng trong nhiều gia đình để bảo quản các thiết bị điện tử, đồ gỗ, bảo quản thực phẩm khô, giấy tờ, sổ sách…
Phần lớn các dòng máy hút ẩm hiện nay hoạt động tương tự máy điều hòa, tức là làm lạnh cục bộ, ngưng tụ hơi nước rồi thải ra khay hứng. Phần không khí còn lại sẽ được đẩy ra ngoài.
Máy hút ẩm thường được phân loại theo dung tích của bình chứa nước, từ cỡ nhỏ trong khoảng 6-7 lít/ngày dùng cho phòng nhỏ tới loại cỡ lớn trên 15 lít dùng cho các phòng có diện tích từ 25 đến 40 m2. Hầu hết dòng máy cỡ bé và vừa có trọng lượng nhỏ, dễ dàng di chuyển giữa các phòng trong gia đình bằng tay xách hoặc bánh xe.
Trên thị trường hiện nay, các dòng máy hút ẩm đang được bày bán và quảng cáo khá đa dạng tại các trung tâm điện máy cũng như các trang bán hàng trực tuyến. Với vài trăm nghìn tới hơn một triệu đồng, người dùng có thể mua được các loại máy hút ẩm xách tay, nhỏ gọn như Dehumidifier, Tiross... Cao cấp hơn, có các dòng sản phẩm của Edison, FujiE, Daiwa, Coway, Electrolux... với giá vài triệu tới gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, còn có một lựa chọn được không ít người quan tâm là các dòng máy hút ẩm nội địa có xuất xứ từ Nhật Bản của các thương hiệu như Sharp, Mitsubishi, Panasonic...
Hàng nội địa Nhật có giá dao động trong khoảng từ 2, 3 triệu đồng tới gần chục triệu đồng, tùy thuộc vào dung tích và đời máy cũ hay mới. Sự đa dạng về tính năng đi kèm cũng là đặc trưng riêng của dòng thiết bị này, với khả năng hút ẩm tự động hoặc liên tục, thổi khí, sấy quần áo, hẹn giờ, diệt khuẩn và khử mùi bằng ion....
Trên mạng xã hội, các tin rao bán máy hút ẩm nội địa cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, do số lượng có hạn nên nhu cầu luôn vượt quá khả năng cung cấp, khiến cho loại sản phẩm gia dụng thường xuyên được bán ngay hoặc hết hàng rất nhanh chóng.
Anh Phạm Thế Minh, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện máy, cho biết: "Các dòng máy nội địa càng đời cao càng tốt. Nhiều máy được bổ sung thêm chức năng như lọc không khí, sấy (thổi luồng gió ấm, mạnh ở đầu ra), cài đặt lượng ẩm và thời gian hoạt động, chạy tự động hoặc cưỡng bức... Tuy nhiên, nên mua loại ít chức năng, chỉ hút ẩm hoặc thêm chức năng sấy mà thôi".
Anh cho biết bản thân đã dùng máy hút ẩm nội địa Nhật hơn 10 năm và "để đánh giá với hàng xuất, hàng nội địa tốt hơn hẳn". Bởi anh cho biết hàng nội địa Nhật từ lâu đã sử dụng công nghệ Inverter tiết kiệm điện, tiên tiến hơn hẳn nhiều sản phẩm hàng xuất ở hiện tại.
"Bản thân tôi đã chạy thử để so sánh hàng xuất Đức xách tay và nội địa Nhật thì thấy công suất hàng nội địa tốt hơn, bình chứa nước cũng lớn hơn khiến người dùng không phải thường xuyên thay trong ngày", anh nói thêm. "Tuy nhiên, khi dùng phải đặc biệt chú ý tới nguồn điện vào 100V bởi nếu cắm nhầm có thể gây hỏng, thậm chí phải bỏ luôn máy do không sửa được".
Với kinh nghiệm sử dụng của mình, anh Minh khuyên rằng người dùng nên thường xuyên vệ sinh dàn lạnh của máy hút ẩm, cùng với lưới lọc bụi. Sau thời gian sử dụng vài tháng cần mở thiết bị ra để vệ sinh bên trong. Còn khi chọn mua, anh ưu tiên lựa chọn theo kích thước phòng và theo anh, nên mua máy có công suất lớn hơn một chút so với nhu cầu.
"Tất nhiên là đồ nội địa là hàng cũ, đã qua sử dụng nên vẫn có xác suất rủi ro như hư hỏng linh kiện, lắp ráp hoặc quá trình sử dụng. Trên thực tế hàng xuất mới cũng không tránh khỏi các vấn đề này. Vì vậy, khi mua cần có cam kết bảo hành từ cửa hàng bán để thêm phần đảm bảo", anh Minh chia sẻ.