Trên nhiều hội nhóm công nghệ, tình trạng "mạng chậm" đang là đề tài nóng những ngày gần đây. Văn Nam, admin của một nhóm công nghệ trên Facebook, cho biết đã có hàng trăm thành viên trong nhóm gặp tình trạng Internet chậm thời gian gần đây. Bản thân anh cũng là "nạn nhân" của việc này. "Tình trạng nặng nhất là hai ngày gần đây, việc đọc báo, lướt Facebook cũng gặp khó khăn", Nam nói. Theo anh, vấn đề này thường xảy ra vào buổi tối, trong khoảng 20 - 22 giờ.
Hải Yến, nhân viên thiết kế tại Cầu Giấy (Hà Nội), đang phải làm việc tại nhà. Ban đầu cô yên tâm vì đã đăng ký Internet gói cước tốc độ cao, tuy nhiên chỉ sau vài ngày, mạng liên tục chập chờn. "Trước đây tải các tệp tin 100 MB chỉ mất chưa đến một phút, nhưng nay có thời điểm mất hơn 5 phút vẫn chưa tải xong, thậm chí còn gián đoạn giữa chừng", Yến nói. Cô đã gọi tổng đài và được khuyên là "khởi động lại modem", nhưng trình trạng vẫn không cải thiện nhiều.
Không chỉ tại Hà Nội, người dùng Internet tại nhiều khu vực khác cũng than phiền vì mạng chậm. Nguyễn Hải, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Thanh Hoá, cho biết anh gặp phải tình trạng này trong hai ngày gần đây. "Không vào được Facebook, tôi nghĩ do mạng xã hội này lỗi, nhưng đến khi thử vào một số game online để giải trí cũng không được vì ‘không thể kết nối đến máy chủ'. Tôi đã gọi kỹ thuật viên đến kiểm tra nhưng họ cũng không xử lý được triệt để vấn đề", anh nói. Theo anh Hải, do đặc thù công việc phải thường xuyên online, các sự cố mạng ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và cuộc sống.
Nhu cầu dùng Internet tại Việt Nam đang tăng cao những ngày gần đây, trong bối cảnh người dân được khuyên cách ly xã hội tại nhà. Nhiều trường học, công ty cũng chuyển sang hình thức học và họp qua mạng Internet.
Theo thống kê của FPT Telecom, lưu lượng người dùng băng thông cố định của nhà cung cấp dịch vụ Internet này đã tăng 20% so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, Viettel cũng cho biết có sự tăng đột biến về nhu cầu sử dụng Internet thời gian gần đây, khi khách hàng cần đường truyền để học tập, làm việc từ xa và tìm kiếm thông tin.
Số liệu thống kê trong nước cho thấy, lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX tăng 40% thời gian qua. Lưu lượng tập trung vào các ứng dụng hội nghị, học tập và giải trí trực tuyến.
Còn theo thống kê tại các nước và khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lượng truy cập các website cũng tăng đến 50%, một số khu vực có lưu lượng Internet trong tháng 3 tăng 90% so với tháng 2.
Không chỉ tại Việt Nam, Internet tại nhiều nơi trên thế giới cùng gặp phải tình trạng bị giảm tốc độ. Thống kê của Ookla, công ty phát triển công cụ Speedtest đo tốc độ Internet, cho thấy những quốc gia bị ảnh hưởng nhất ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và Malaysia, còn ở châu Âu là Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức. Đây cũng đều là những nước đang bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 và người dân được khuyên ở tại nhà. "Nhiều người ở nhà hơn có nghĩa nhiều người lên mạng hơn, chiếm dụng băng thông hơn, dễ dẫn tới nghẽn mạng", một chuyên gia về Internet nhận định.
Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam đạt 42,8 Mb/giây, xếp thứ 65 thế giới, thấp hơn mức trung bình 75,41 Mb/giây, theo thống kê của Ookla. Singapore đứng đầu (203,68 Mb/giây) còn Thái Lan đứng thứ 9 (136,19 Mb/giây). Bên cạnh nhu cầu làm việc từ xa, gọi video và học trực tuyến, người dân còn dành thời gian cho các hoạt động giải trí như chơi game online, xem phim, livestream...
Các nhà cung cấp Internet tại Việt Nam ghi nhận tình hình và cho biết đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng đường truyền trong thời gian này. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến như YouTube, Netflix cũng đã tiến hành các biện pháp hạ lưu lượng, giúp giảm tải cho đường truyền, trong bối cảnh nhu cầu dùng Internet tăng vọt.
Lưu Quý