Cuộc biểu tình diễn ra hôm 23/1, trước Bức tường Hòa bình, Quảng trường Joffre, thủ đô Paris, với sự tham gia của đông đảo thành viên từ hơn 30 hiệp hội, tổ chức của người Việt tại Pháp.
Những người có mặt cầm quốc kỳ, băng rôn lớn và các hình ảnh về hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với việc Trung Quốc hôm 16/1 di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cũng như tiến hành các chuyến bay thử tại đá Chữ Thập hồi đầu tháng.
Họ khẳng định các hành động này là bất hợp pháp, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không của không chỉ các nước ven Biển Đông mà tất cả các nước có tàu bè qua lại trong vùng biển này (trong đó có Pháp và các nước châu Âu), tránh nguy cơ xung đột quân sự.
"Tôi đến đây để bày tỏ tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Tôi hy vọng rằng cuộc biểu tình này có thể tạo ra những phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng quốc tế chống lại sự bành trướng của Trung Quốc", Daniel Le Wis, một người biểu tình, nói và bày tỏ sự phẫn nộ trước các hành động của Bắc Kinh.
Đây là lần thứ tư kể từ sau năm 1975, Cộng đồng người Việt tại Pháp (UGVF) xuống đường biểu tình tại Paris để phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước việc Bắc Kinh đưa giàn khoan ra vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 18/1 đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ quan ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí nêu trên.
Việt Nam khẳng định bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan.
Hải Dương 981 chính là giàn khoan Bắc Kinh từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên các đá, đảo chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Anh Ngọc