![]() |
Cụ Nguyễn Tú. |
Tham gia cách mạng rất sớm, từng giữ chức chính trị viên tỉnh Quảng Bình, thị đội trưởng Đồng Hới, nhưng bệnh tình đã khiến cụ nghỉ hưu từ năm 1964. 20 năm về hưu nơi làng cát Bảo Ninh, lặng lẽ âm thầm đánh vật với bệnh tật (5 năm nay, mọi chuyện vệ sinh, bài tiết của cụ Tú đều nhờ vào cái túi bên mình), nuôi người vợ già mù loà, cụ âm thầm tự học trong túp lều trên động cát Bảo Ninh, học tiếng Pháp qua bản dịch Truyện Kiều của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tự ôn lấy chữ Nho, Nôm để đọc những gì cha ông để lại.
Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện từng nhận xét về cuốn Địa chí Bảo Ninh: "... Cái đẹp của đất nước, chiều sâu của lịch sử, cái sinh động của cuộc sống hằng ngày, cái đa dạng của cây cỏ, tôm cá đã hiện lên trong nhiều trang với lời văn của một nhà sinh học, một nhà dân tộc học và dĩ nhiên một nhà văn". |
Cuốn sách đầu tay Địa chí Bảo Ninh của cụ được viết ra như một cơ duyên. Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn một lần nói với cụ: "Mình không sáng tạo gì cho đất nước thì gắng giữ lại những gì cha ông đã sáng tạo ra" và bảo: "Cụ nên viết sách đi". Cụ hỏi lại: "Viết cái gì?". "Thì viết ngay cái câu người ta đã nói về quê cụ đấy thôi. Văn La song hiệp biện, Trung Bình tứ thượng thư", giáo sư Sơn nói. Quả thật, mảnh cát chơ vơ đất Quảng Bình lại sinh ra rất nhiều bậc hiền tài. Như làng Trung Bính, xã Bảo Ninh quê cụ Tú có tới 4 vị quan ngày xưa làm đến chức thượng thư; làng Văn La bên cạnh có hai vị làm chánh nhất phẩm.
Sau cuốn Địa chí Bảo Ninh, cụ Tú lại bắt đầu hành trình nhọc nhằn để gìn giữ hương hỏa của đất đai xứ sở. Cụ khăn gói ra Hà Nội tìm đến Thư viện quốc gia đọc và ghi chép. Rồi vào Sài Gòn, hội đồng hương Quảng Bình ở đây nuôi cơm cho cụ đi tìm tư liệu ở Thư viện Khoa học tổng hợp, ngày ngồi đọc, ghi chép, cái gì không chép được thì gắng nhớ, tối về ngồi nhớ lại rồi chép ra. Những năm 1980 vô cùng gian khó, nhưng cụ cứ lang thang khắp các thư viện, miền quê.
Đất Đồng Hới có bài bàu Tró nổi tiếng, bao nhiêu người đã đưa ra những kiến giải về tên gọi này, nhưng chưa thoả đáng. Cụ Tú lặn lội vào tận Phan Thiết nghe người Chăm nói, tra cứu từ điển Chăm - Việt để biết tró chính là từ chỉ đồ gốm như chum, ché. Với chiếc xe đạp cà tàng, cụ về làng nào thấy câu hát hò hoặc những gì liên quan đến Quảng Bình là ghi lại vào sổ tay.
Tất cả những điều ấy cụ sắp xếp, lưu giữ lại và hàng chục cuốn sách ra đời như: Địa chí làng Thuận Bái, Địa chí Bảo Ninh, Địa chí làng Cổ Hiển; Địa chí Đồng Hới; Quảng Bình qua thơ Hán Nôm... Dân Quảng Bình có "bát danh hương" là tám ngôi làng nổi danh về khoa bảng đi vào thành ngữ: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn Hoá, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Cụ Tú thấy làng Lệ Sơn tuy xếp đầu bảng, nhưng người đỗ đạt không bằng các làng khác. Nhưng khi đến tận đây cụ mới hiểu ngôi làng được xếp đứng đầu vì người dân thuở ấy từ nam, phụ, lão, ấu đều thuộc lòng hai loại sách cơ bản của giáo dục đời xưa là Minh Tâm bảo giám, Tam tự kinh. Đây là dấu hiệu của ngôi làng "thoát nạn mù chữ" rất hiếm hoi trong chế độ phong kiến.
Năm nay bước sang tuổi 85, cụ Tú đang khao khát hoàn thành bộ sách Những nét đẹp văn hoá Quảng Bình gồm 5 tập, mỗi tập chừng 1.000 trang in. Trên tờ lịch treo tường nhà ở phường Đồng Sơn, phía tây thành phố Đồng Hới, cụ ghi mấy dòng thơ như đúc kết cuộc đời, như phương châm sống của mình: "35 tuổi tưởng xuôi tay/Phúc ấm trời cho sống đến nay... Sống mộng yên thân, đi mộng lặng/Trống kèn đâu dám chuyện thày lay".
(Theo Tuổi Trẻ)