Rất nhiều format âm nhạc của nước ngoài được du nhập vào Việt Nam và tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ đối với công chúng. Đó là Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol), Giọng hát Việt (The Voice), Ngôi nhà âm nhạc (Star Academy), cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc nữ Sáng bừng sức sống…, những chương trình này thường xuyên có mặt trong những khung giờ “vàng” của đài truyền hình trung ương cũng như các đài địa phương.
Số lượng khán giả quan tâm theo dõi các chương trình này cũng ngày một tăng. Có thể nhận thấy rõ sức “nóng” của những format ngoại qua một vài ví dụ nhỏ:
Với Vietnam Idol 2012, chỉ tính riêng khu vực phía Bắc, số thí sinh tham gia vòng thử giọng đã lên tới 19.000 người. Không những thế, chương trình còn “tuyển sinh” tại rất nhiều tỉnh thành khác nhau như Thái Nguyên, Huế, Nha Trang…Số tiền thưởng cho người chiến thắng lên tới 600 triệu đồng. Thí sinh được Ban tổ chức hỗ trợ sự nghiệp âm nhạc trong vòng một năm.
Nhóm Caro gồm Nguyễn Thanh Tùng, Biệt Tấn Phát, Vũ Ngọc Linh hát Nơi ấy của Hà Okio tại 'Vietnam's Idol 2012'. |
Còn theo Ban tổ chức của The Voice, đã có khoảng 5.000 bạn đến thử giọng tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Thí sinh xuất sắc nhất ngoài cơ hội được làm việc với êkip chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam thì số tiền thưởng cũng không hề kém cạnh là 500 triệu đồng. Thí sinh này còn được kí hợp đồng độc quyền với Universal thực hiện riêng một Album Single cùng một MV (video nhạc) đi kèm. Ngoài ra, quán quân sẽ được định hướng phát triển âm nhạc cũng như được giúp đỡ trong hoạt động phát hành album.
Ngôi nhà âm nhạc mặc dù khiêm tốn hơn nhưng cũng thu hút tới 1.000 bạn trẻ khắp cả nước tham gia.
Và những scandal đồng hành
Không thể phủ nhận được những mặt tích cực của các chương trình này. Nhiều giọng ca tốt, có cá tính, đã được khám phá qua từng show diễn. Tuy nhiên, những scandal cũng nhiều đến nỗi có người cho rằng những scandal là “bạn đồng hành” của một số chương trình như thế này. Và có lẽ mục đích cũng không nằm ngoài việc thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình.
Chắc hẳn người xem vẫn nhớ những “lùm xùm” xung quanh Vietnam Idol 2011. Ngay trong vòng sơ loại, sự hiểu lầm giữa Siu Black và Sơn Lâm đã xôn xao báo chí. Và khi cuộc thi diễn ra thì hàng loạt sự việc xảy ra như việc tung đoạn băng ghi âm “văng tục, chửi thề” của một thí sinh, việc nói xấu nhau của một vài thí sinh khác. Cho đến Idol 2012, sau hai đêm phát sóng đầu tiên vòng thi sơ khảo, những cụm từ như: thảm họa, siêu thảm họa…xuất hiện trên khắp các mặt báo.
Phương Uyên mang đến scandal cho The Voice phiên bản Việt mùa đầu tiên. |
Trong khi đó, The Voice còn tệ hơn với scandal lộ clip dàn xếp kết quả chương trình khiến cho lòng tin của khán giả bị giảm sút nghiêm trọng…Và nhiều vấn đề nóng khác mà khó có thể nói hết được.
Thực tế cho thấy những thí sinh tham gia các cuộc thi trên cũng là những thí sinh có tài năng. Nhưng sức hút của họ lại được tạo ra từ những scandal do ban tổ chức sắp đặt. Và những khán giả ngây thơ thì cứ bị cuốn vào cái được gọi là “hot” do nhà sản xuất và báo chí tạo ra.
Đã đến lúc người Việt phải quan tâm đến “hàng Việt”
Một số chương trình thuần Việt vẫn đang tiếp tục hành trình tự hoàn thiện và âm thầm chinh phục khán giả bằng sự đầu tư nghiêm túc và hướng tới chất lượng trong xu thế “hàng ngoại” ồ ạt tràn vào thị trường âm nhạc.
Điển hình là Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn. Mục tiêu của Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn cũng là tìm chọn ra những tài năng âm nhạc Việt. Mặc dù giải thưởng không lớn, giải cao nhất cũng chỉ đến 50 triệu đồng nhưng những giọng ca được tuyển chọn qua cuộc thi này đều thực sự có chất lượng.
Trong các cuộc thi của Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn đầu tiên, chương trình đã tìm kiếm và mang đến cho làng giải trí Việt lượng tài năng âm nhạc trong nhiều năm sau đó như; Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Ngọc Anh, Ngọc Khuê, Anh Khoa… Trong mùa thi Sao Mai điểm hẹn năm 2012 sức nóng đã giảm đi phần nào song những giọng ca trẻ bước ra từ cuộc thi vẫn được giới chuyên môn và khán giả đánh giá tốt như Nguyễn Đình Thanh Tâm, Lê Việt Anh, Nguyễn Trần Trung Quân…
Hồng Nhung là một trong những nghệ sĩ tên tuổi được vinh danh tại "Bài hát yêu thích". |
Đó là cuộc thi về giọng hát. Còn những chương trình tìm âm nhạc khác thì sao? Có thể kể đến ngay Bài hát Việt. Mục đích của chương trình không nhằm vào việc tìm kiếm tài năng âm nhạc mà là để giới thiệu những ca khúc hay của các tác giả trẻ tới những người yêu nhạc. Chất lượng các ca khúc được đánh giá bởi một Hội đồng thẩm định có uy tín. Nhiều bài hát đã có một sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Bài hát Việt thực sự đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của nền nhạc nhẹ Việt.
Gần đây có một bảng xếp hạng âm nhạc với một format thuần Việt - chương trình Bài hát yêu thích. Mục đích của chương trình này là tìm ra bài hát nào được ca sĩ thể hiện thành công và đang được khán giả yêu thích nhất tại một thời điểm nhất định, từ đó tạo ra Bảng xếp hạng bài hát được yêu thích hàng tuần và hàng tháng.
Hội đồng bình chọn bao gồm 120 thành viên, họ là những người uy tín, những khán giả yêu nhạc được ban tổ chức lựa chọn từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, những thành viên này sẽ quyết định 60% kết quả tổng hợp cuối cùng. Bình chọn qua tin nhắn quyết định 20% kết quả tổng hợp cuối cùng và số lượt xem bài hát trên website chương trình quyết định 20% kết quả tổng hợp cuối cùng.
Bên cạnh đó, các ca sĩ trình bày ca khúc đề cử trong chương trình bắt buộc phải hát live hoàn toàn. Vì vậy, không ít giọng ca trẻ thị trường đã không đủ bản lĩnh sân khấu và bộc lộ điểm yếu. Trong khi đó, nhiều giọng ca khác đã cho khán giả thấy khả năng thực sự của mình như các tài năng bước ra từ Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Idol...
Chương trình chất lượng thuần Việt?
Có lẽ sẽ là khập khiễng khi so sánh những format âm nhạc của nước ngoài với các format Việt bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, suy cho cùng, bất kỳ một chương trình âm nhạc nào vẫn phải nhằm vào mục đích đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà, đồng thời thỏa mãn nhu cầu giải trí của đông đảo công chúng. Vì vậy, để đánh giá về sự thành công của một chương trình cần phải có một quá trình lâu dài.
Nhưng có lẽ người Việt đang cần hơn bao giờ hết những chương trình có chất lượng, thuần Việt và thực sự là của người Việt.
Quỳnh Lata
Chia sẻ bài viết quan điểm của bạn về âm nhạc trên truyền hình tại đây.