Anh Nicholas Nguyễn, sống tại bang West Virginia, Mỹ, viết thư về cho biết, hằng năm vào những ngày Noel là người Việt Nam đã nói chuyện chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Có người đặt vé máy bay về nước từ trước đó nhiều tháng (khoảng từ tháng 5 đến tháng 10). Nếu không lo trước thì không có vé, mua vé trễ thì không còn vì các đại lý du lịch vẫn lợi dụng đầu cơ để bán giá cao cho Việt kiều đi về quê ăn Tết. Người nào không về được thì đi hội chợ Tết Việt Nam do các ban hội đồng bô lão ở hải ngoại tổ chức.
Anh Nicholas cho hay, đi hội chợ Tết Việt Nam để mua các loại bánh, mứt sản xuất từ Trung Quốc, hoa quả từ Hàn Quốc, và cá đồ hộp từ Thái Lan, chứ ít thấy có mặt hàng Tết của Việt Nam xuất khẩu. Năm nay, anh đã mua bia 333 của Việt Nam, nhưng giá khá đắt, ngang bằng bia ngoại quốc. Đón năm mới, anh còn mua cả bông mai nhựa, về nhà chặt cành cây khô để làm cây mai giả rồi gắn bao lì xì màu đỏ treo lên cho đẹp. Đến phút giao thừa thì anh ngồi ở nhà bên Mỹ mà tính theo giờ và ngày Tết của Việt Nam để đi thăm bạn bè. Sau đó, anh sẽ gọi điện về Việt Nam chúc Tết và xin người nhà thay mình cúng vái ông bà, tổ tiên.
Người đàn ông đã 29 năm sống xa xứ này tâm sự: "Xa quê hương mà không được về quê ăn Tết với người thân thì còn gì đau khổ cho bằng". Ước muốn của anh cho năm mới là hòa bình khắp nơi, riêng anh mong được về Việt Nam thật nhiều lần để đi du ngoạn khắp quê hương. Và nếu có thể thì anh hy vọng được về Việt Nam làm việc để có dịp giúp đỡ bạn bè và gia đình.
Từ bang Mississippi, Mỹ, chị Annie Nguyễn Hoàng Oanh viết thư về kể, vùng chị ở người Việt sống rất ít (dân Việt khoảng độ 3.000 trong một vùng tổng dân số khoảng 300.000). Tuy nhiên, đón Tết cũng nhộn nhịp như ở các vùng tỉnh lẻ nơi quê nhà. Cộng đồng tổ chức văn nghệ có mời các ca sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên, bán buôn các món ăn ngày Tết, các trò chơi ngày Tết, đốt pháo... Trẻ con cũng bận áo dài, khăn xếp sang nhà người thân, người quen mà nhận bao lì xì. Bạn bè cũng họp mặt ăn uống, tán gẫu, cũng hạt dưa, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, cà pháo, dưa chua, thịt đông, mứt. Điều đặc biệt là đa số món ăn ngày Tết do Việt kiều ở đây tự làm lấy.
Xa quê đã 23 năm, song chị Oanh vẫn giữ phong tục thức đêm chờ đón giao thừa. Năm nào cũng vậy, chị ráng chong mắt thức đến nửa đêm, xem video cải lương (bên này không có hát bội) để chờ giây phút chuyển giao giữa năm cũ và mới (gia đình chị có cái lệ coi hát bội chờ đón giao thừa). Bước sang năm Giáp Thân, chị Oanh mong mỏi cho dân trí nước nhà được mở mang, bớt cảnh thiên tai, hoặc nếu có thì mau chóng vượt qua; cầu cho nước mình vươn lên kịp hoặc vượt hẳn các nước trong vùng về các lĩnh vực chuyên môn bởi dân Việt Nam rất cầu tiến, ham học, chăm chỉ và thông minh.
Ngày Tết, người Việt ở nước ngoài thường nhớ tới cành đào, cành mai.
Chị Hồng Giang, từ Kherson, một thành phố miền nam nước Cộng hòa Ucraina, viết thư về cho biết, cộng đồng người Việt ở đây chỉ khoảng 70 người, nhưng sống tập trung tại một khu vực nên mỗi khi Tết đến xuân về không cảm thấy quá cô đơn lạc lõng. Mọi người cũng dọn dẹp, thu xếp công việc để có thể nghỉ ngày mùng 1. 16 năm xa quê hương, song chị vẫn giữ phong tục của ông cha, cũng mâm ngũ quả, pháo hoa và làm cơm cúng tất niên. Đồ Tết, chị Giang chủ yếu mua ở Odetxa - nơi có đông người Việt và người Trung Quốc sinh sống nên có cả khu vực bán hàng thực phẩm quê nhà. Giá cả tất nhiên là đắt hơn ở Việt Nam. Năm ngoái, chị Giang mua một chiếc bánh chưng giá khoảng 4 USD, 1 quyển lịch 4 USD, 1 gói phồng tôm 1 USD. Ở chợ này gần như có đầy đủ các loại mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bột chiên tôm, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết.Chị Giang cùng gia đình đón giao thừa vào lúc 7h tối (do chênh lệch múi giờ với Việt Nam). Lúc đó, cả nhà chị cùng uống Sampanh chúc mừng, bắn pháo hoa qua cửa sổ cho xác pháo rơi vào bàn tiệc. Kết thúc buổi tiệc, chị bắt đầu gọi điện chúc mừng một năm mới tốt lành tới tất cả bạn bè gần xa. Ngày hôm sau, mọi người đi chúc Tết nhau y như ở Việt Nam. Chị tâm sự: "Tụi mình hầu như đều đã qua tuổi thanh niên từ lâu nên không còn cảm thấy rạo rực xốn xang khi năm cũ sắp qua, năm mới đang đến nữa. Nhưng nỗi nhớ quê hương thì vẫn lẩn khuất trong lòng mỗi người và đặc biệt trỗi dậy khi Tết đến". Đó cũng là lý do khiến chị Giang dù đã có cuộc sống khá đầy đủ (quản lý một câu lạc bộ Internet) ở thành phố này, nhưng vẫn chờ đợi ngày trở về quê hương.
Điều ước cho năm mới của chị Giang là gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, công việc thuận lợi, các con ngoan ngoãn học giỏi. Chị cũng mong năm tới sẽ mưa thuận gió hòa, không thiên tai dịch bệnh để đất nước Việt Nam nhà nhà no ấm. "Mình vô cùng mong muốn đất nước ta phát triển thần tốc về mọi mặt, kinh tế cũng như văn hóa, quốc phòng cũng như kho học... để những người con xa xứ như mình có thể ngẩng cao đầu tự hào là người con đất Việt", chị viết.
Không chỉ những Việt kiều, du học sinh Việt Nam cũng rất mong chờ ngày Tết. Tuy nhiên, Tết năm nay đến sớm, lại rơi vào đúng kỳ thi nên đa số phải tất bật với việc ôn bài. Bạn Thảo Mai, từ Nhật Bản, cho biết, thời gian này bạn và nhiều du học sinh đang rất bận. Dù không được nghỉ dịp Tết (người Nhật đón Tết Dương lịch), nhưng nhóm sinh viên người Việt vẫn thu xếp để có cái cảm giác của Tết. Chẳng hạn tối 30, thay vì ở phòng thí nghiệm đến 9-10h tối như mọi ngày, Mai và các bạn sẽ về sớm. Người đi chợ, người dọn dẹp, nấu nướng để sao có được một mâm cơm tất niên ấm cúng.
Mai bảo, đồ ăn bên đó đắt lắm, ví như bánh chưng phải mua với giá 200.000 đồng/cái, giò lụa thì 500.000 đồng/kg. Nhưng vì một năm chỉ có một ngày Tết nên nhóm du học sinh Việt Nam cũng bấm bụng. Mai tâm sự, khó nhất là việc thắp hương lúc giao thừa bởi không bạn nào biết khấn vái và cũng không biết khấn bằng thứ ngôn ngữ gì, tiếng Việt hay tiếng Nhật đây. Và muốn có một con gà còn đủ cả đầu, cả chân để thắp hương theo đúng phong tục của người Việt Nam là điều không tưởng bởi gà trong siêu thị bị chặt hết cả chân, cổ, cánh.
Sau khi ăn cơm tất niên, đón giao thừa, nhóm du học sinh chia tay nhau về phòng. Đây là thời điểm Mai thấy buồn nhất, nhớ nhà nhất. Dù không phải là người yếu đuối, nhưng trong những giây phút ấy, Mai đã khóc. Cô ôm điện thoại gọi về nói chuyện với cả nhà, chúc Tết người thân, bạn bè. "Nửa tháng học bổng có thể trôi vèo theo việc chúc Tết gia đình, bạn bè và thày cô ở Việt Nam. Nhưng đó là hạnh phúc của những người phải xa gia đình như tụi mình", Mai tâm sự.
Năm mới, điều ước của Mai thật giản dị, đó là người Việt Nam sẽ bỏ đi những thói quen xấu như: uống nước chè, hút thuốc, tán chuyện trong giờ làm việc. Mai cho rằng đất nước mình, dù đang phát triển rất nhanh những năm gần đây, nhưng thực tế vẫn còn nghèo lắm. Từ bé đến lớn, Mai được nghe nói rất nhiều là con người Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh và ham học hỏi. Nhưng có đi ra nước ngoài mới biết các nước khác họ cũng không kém Việt Nam nếu không nói họ hơn mình nhiều về cả sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Thế nên Mai cho rằng người Việt Nam càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, đừng ảo tưởng mình là nhất.
Bạn Phạm Thanh Thuận, từ Paris, Pháp, cho biết, nhóm du học sinh ở đây sẽ hưởng ké không khí Tết của Việt kiều. Năm nào cũng vậy, ở quận 13, bà con người Việt đều tổ chức đốt pháo hoa, múa sư tử, múa lân. Để phục vụ cho cộng đồng người Việt (lên tới 30 nghìn người), các cửa hàng đều có bán đầy đủ các mặt hàng Tết như ở Việt Nam từ bánh chưng, hoa đào, quất. Giá hoa rất đắt nên nhóm du học sinh đành đi bẻ cành mận hoặc mai ở đâu đó về chưng bày trong phòng cho có không khí.
Từ Đan Mạch, bạn Kim Sơn cho hay, thật ra người Việt Nam ở bên này không quên Tết cổ truyền của người Việt. Họ vẫn tổ chức họp mắt vào cuối năm, rồi ăn uống, tiệc tùng. Còn việc sắm sửa thì cũng như những người sống ở trong nước, chỉ có điều các cửa hàng của người Việt bên này rất ít và giá cả rất mắc. Tâm trạng của bà con Việt kiều bên này là muốn về Việt Nam ăn Tết. Họ nói không ở đâu ăn Tết vui bằng ở quê nhà cả.
Trong số những người dân Việt Nam phải xa quê hương, có hàng trăm nghìn lao động xuất khẩu. Trong những ngày Tết, phải xa gia đình kiếm sống, họ không khỏi chạnh lòng nhớ lại những cái Tết ở nhà với sự sum họp đầm ấm của gia đình. Ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cho biết, do địa điểm và kinh phí có hạn, hơn nữa lao động lại ở xa và không được nghỉ nên đại sứ quán không thể tổ chức Tết cho người lao động được. Để động viên anh em, đại sứ quán đã cử một vài đại diện đi thăm lao động và tặng sách báo Tết. Tối 15/1 vừa qua, cơ quan này đã tổ chức Tết với bà con Việt kiều và những cán bộ quản lý của các công ty xuất khẩu lao động có mặt tại Malaysia.
Ông Dũng cho biết, điều kiện ăn ở và làm việc của lao động Việt Nam ở Malaysia khó khăn hơn nhiều so với các nước, do đó trong dịp Tết rất ít người gửi quà về nhà. Gần đây có một số lao động viết thư, gọi điện đến đại sứ quán thông báo có nguy cơ bị chủ sử dụng Malaysia cắt hợp đồng sau một năm làm việc. Với những người này, họ không thể có một cái Tết theo đúng nghĩa vì lo ngại sẽ phải về nước sớm.
Ông Đào Công Hải, Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, lao động Việt Nam đang làm việc tại đây cũng được nghỉ ăn Tết như Tết Nguyên đán của Việt Nam, bắt đầu từ 21/1 đến 25/1. Qua đường hàng không, bánh chưng, giò Tết được gia đình, người thân trong nước chuyển sang tới anh chị em lao động, chỉ thiếu mỗi hoa đào và không khí chợ Tết. Vì đặc thù anh chị em ở tản mát nên từng nhóm người ở cùng một địa phương thường tập trung nhau đón giao thừa, đi thăm hỏi chúc Tết nhau, chúc Tết các bạn Hàn Quốc. Dù có nhớ nhà, nhưng vì môi trường, phong tục, tập quán của Hàn Quốc tương đồng với Việt Nam nên cũng vợi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhất là đối với anh chị mới xa nhà lần đầu tiên.
Năm mới, với chích sách mới đối với lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc, lao động nước ngoài không giấy tờ được hợp thức tư cách lao động nên càng vui hơn. Chỉ có số lao động cư trú bất hợp pháp trên 4 năm phải hồi hương (khoảng trên 3.000 người). Ông Hải cho biết thêm, lao động Việt ở Hàn Quốc có nhiều giờ làm thêm nên báo viết rất khó được sử dụng, chỉ có báo điện tử được đón đọc nhiều nhất. Đây cũng là nhu cầu của những người Việt xa quê hương khi muốn biết thông tin ở trong nước, nhất là thông tin nóng hổi về không khí đón năm mới của quê nhà.
Như Trang