"Tôi cũng chưa biết khi nào mới về nhà được vì còn chờ nước rút. Wilmington đang bị cô lập, không ai ra vào được trừ tàu và đường hàng không. Trên cao tốc cũng bị ngập hết", Hà Jennings, người Việt sống ở Wilmington đang đi sơ tán cùng gia đình, trao đổi với VnExpress.
Một tuần nay gia đình cô sống trong khách sạn ở Nam Carolina, cách Wilmington khoảng 5 tiếng lái xe, khu vực bị ảnh hưởng nhẹ hơn.
Nhờ có hàng xóm là người Mỹ cập nhật thông tin, Hà biết nhà mình may mắn không bị thiệt hại nặng, chỉ bị gãy một cây sau vườn. Trong khi đó các nhà bên cạnh bị ảnh hưởng nhiều hơn, có nhà bị cây đổ làm hư hỏng, vỡ cửa sổ khiến đồ đạc bay hết ra ngoài. Có những khu ngập đến nửa nhà, có gia đình bị tốc mái.
Từ ngày 12/9, Hà cùng chồng và con hai tuổi, cùng bố mẹ chồng đã quyết định đi sơ tán để tránh bão. Chặng đường bình thường chỉ mất hai giờ đồng hồ kéo dài đến 7 giờ vì tắc đường do có nhiều người sơ tán. Trước khi đi, cô đã dọn hết vườn rau vào trong nhà, thu dọn bàn ghế ngoài sân nhằm tránh bị bão xới tung. Hà cho biết trong ba năm sống ở Mỹ, đây là lần đầu tiên cô chứng kiến cơn bão và tình trạng ngập kỷ lục.
Tại Charlotte, Bắc Carolina, khu vực cách xa bờ biển, hầu hết người dân không bị ảnh hưởng nặng.
"Liên tục mấy ngày nay có mưa, gió to nhưng tình hình không nghiêm trọng", Trần Kim Ánh, người Việt ở Charlotte, hôm nay cho biết.
Bão Florence đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hôm 16/9 nhưng tiếp tục gây mưa diện rộng đối với phần lớn bang Bắc Carolina và phía đông bang Nam Carolina. Cơn bão khiến ít nhất 18 người thiệt mạng ở Bắc và Nam Carolina do các nguyên nhân như lũ cuốn, điện giật, nhiễm độc và cây đổ đè sập nhà. Giới chức kêu gọi người dân đi sơ tán chưa vội trở về nhà.
Kim Ánh cho hay khu vực cô sống cách xa bờ biển khoảng ba tiếng lái xe nên không bị ngập. Một số nơi bị cắt điện nhưng được cấp lại ngay sau đó nên sinh hoạt không bị ảnh hưởng nhiều. Học sinh được thông báo nghỉ học từ ngày 13/9 đến ngày 17/9.
"Ban đầu khi nghe dự báo về cơn bão tôi cũng thấy lo sợ và chuẩn bị tâm lý, xác định ở trong nhà không đi ra ngoài. Nhưng tôi nghĩ việc cảnh báo đó cũng là cần thiết để người dân đề phòng", Kim Ánh nói. Ở các khu vực như Wilmington hay bãi biển Myrtle, người dân được chính quyền yêu cầu đi sơ tán.
Từ chiều 13/9, khi thấy nhiều người đã đổ xô đi mua đồ tích trữ ở siêu thị, Kim Ánh cũng đi mua. Hôm đó nước lọc và bánh mì hết sạch, nhưng đến sáng hôm sau thì hàng trên các kệ trong siêu thị lại được chất đầy. Sống ở Mỹ 4 năm, Kim Ánh cho hay cô chưa từng chứng kiến thiên tai nào như cơn bão Florence.
Cũng sống cách vùng duyên hải khoảng 200 km, Le Tram Hoang cho biết khu vực cô sống không bị ngập lụt và cơn bão Florence trên thực tế không lớn như các dự báo đưa ra trước đó.
Bao Quy Ngo cho hay các thành viên trong gia đình cô ở trong nhà trong hai ngày mưa lớn để đảm bảo an toàn. Cô cũng cảm thấy yên tâm vì được chính quyền địa phương thông báo sẽ sơ tán dân đến nơi tạm trú nếu xảy ra tình trạng ngập lụt. Một số tuyến phố bị ngập nhưng không nghiêm trọng.
Bão Florence đổ bộ vào bang Bắc Carolina sáng 14/9, trút lượng mưa lớn xuống nhiều khu vực của bang, gây ngập lụt nghiêm trọng và khiến thành phố ven biển Welmington bị cô lập. Hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khi mực nước các sông Cape Fear, Little River, Lumber, Waccamaw và Pee Dee liên tục dâng cao và dự kiến đạt đỉnh.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai 13.500 binh sĩ tham gia hoạt động cứu trợ ở những khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Ngoài ra, hơn 70 trực thăng, 30 tàu thủy và 3.000 phương tiện khác cũng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, phân phát hàng cứu trợ và đưa người dân đến nơi an toàn.
Khánh Lynh