"Nhìn mọi thứ dần ổn định, mọi người có thể kinh doanh trở lại, trẻ em được tới trường thay vì học từ xa, tôi cảm thấy vui hơn nhiều", chị Ngọc Anh, người Việt sống ở thành phố Hradec Králové, cách thủ đô Prague hơn 100 km, chia sẻ với VnExpress.
Chị Ngọc Anh cho biết cuộc sống ở Czech đang dần trở lại bình thường, khi dịch giảm và tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng.
Số ca nhiễm trung bình của Czech hiện tại là 650, chưa bằng 5% so với đỉnh điểm hơn 15.000 ca nhiễm hồi cuối tháng 10 năm ngoái, theo Reuters. Quốc gia này đã báo cáo hơn 1,6 triệu ca nhiễm và hơn 30.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Czech đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ ngày 12/4. Theo đó, lệnh giới nghiêm vào ban đêm được dỡ bỏ, sau khi được áp đặt vào đầu tháng 3. Trẻ em được trở lại trường, nhưng được yêu cầu đeo khẩu trang và xét nghiệm hai lần một tuần. Cửa hàng bán quần áo, chợ nông sản ngoài trời, vườn thú và vườn bách thảo cũng nằm trong danh sách được mở cửa, theo AP.
"Hầu như mọi thứ đã được mở cửa trở lại. Nhà hàng vẫn áp dụng quy định bán mang về, nhưng một tuần nữa sẽ được mở bán bình thường", chị Anh nói.
Giống nhiều quốc gia châu Âu khác, Czech cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Quốc gia hơn 10,6 triệu dân đã tiêm chủng hơn 4,7 triệu liều vaccine. 32,9% dân số đã được tiêm ít nhất một liều và 11,6% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Our World in Data.
Ngọc Anh cho biết gia đình chị đã được tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer. "Mọi người tiêm xong chỉ bị sưng đau nhẹ ở chỗ tiêm, nhưng một ngày là hết", chị nói.
Chị thêm rằng bản thân ủng hộ kế hoạch triển khai "hộ chiếu vaccine" của châu Âu, bởi đây là giải pháp tốt giúp mọi người có thể đi lại tự do giữa các nước mà không cần cách ly.
Sống ở thị trấn Woking, hạt Surrey, vùng Đông Nam nước Anh, cách thủ đô London khoảng 30 phút đi tàu, Lê Hà cũng cảm thấy vui mừng khi Anh nói riêng và châu Âu nói chung dần mở cửa.
"Cuộc sống chưa bình thường lại hoàn toàn, nhưng mọi người ai cũng thấy vui vì không còn sống trong cảnh đóng cửa như trước. Tâm lý thoải mái, không còn căng thẳng", Hà nói.
Hà cho biết giờ không cảm thấy quá lo lắng mỗi khi ra ngoài, một phần do Anh vẫn giữ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn, một phần do tỷ lệ tiêm chủng ở Anh ngày càng cao.
Tại quốc gia hơn 66,6 triệu người, 56,1% người dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 33,7% người hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo số liệu mới nhất của Our World in Data.
"Tôi dự định tiêm vaccine trong hai tuần nữa, nhưng hầu hết người mà tôi tiếp xúc đều tiêm vaccine hết rồi nên cảm thấy khá yên tâm", cô nói.
Anh đã trải qua những tháng mùa đông tồi tệ vì đại dịch, khi hàng triệu người dân phải sống dưới lệnh phong tỏa và sự xuất hiện của các biến chủng dễ lây nhiễm. Chỉ riêng trong tháng 1, Anh báo cáo gần 32.000 ca tử vong vì Covid-19. Với các biện pháp phong tỏa mạnh tay và nỗ lực triển khai vaccine nhanh, hiệu quả, Anh đã thu được "trái ngọt", khi số ca nhiễm và tử vong giảm dần.
Anh hiện tại báo cáo hơn 2.400 ca nhiễm mới mỗi ngày, bằng 4% so với đợt đỉnh điểm hồi tháng 1, trong khi số ca tử vong trung bình là 7. Quốc gia này ghi nhận tổng cộng gần 4,47 triệu ca nhiễm và hơn 127.700 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Theo lịch trình của Thủ tướng Boris Johnson, Anh dự kiến dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội vào cuối tháng 6.
Hà chia sẻ dù công việc chưa thể tốt lại như trước, cô vẫn thấy vui khi được ra ngoài và đi làm trở lại. Cô thấy bản thân vẫn may mắn hơn rất nhiều người bị thất nghiệp hay phải phá sản vì đại dịch.
"Thấy mình và người thân vẫn khỏe mạnh, vượt qua mấy đợt đóng cửa là mừng lắm rồi. Bây giờ ai cũng hy vọng cuộc sống sớm trở lại bình thường, để mọi người được thoải mái gặp gỡ bạn bè, gia đình, được đi du lịch, cũng như tham gia nhiều hoạt động như trước, mà không cần lúc nào cũng đeo khẩu trang", cô cho hay.
Minh Phương, người Việt ở Paris, cho biết cô trở lại Pháp vào tháng 2, thời điểm dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại.
"Dù chiến dịch tiêm chủng được khởi động từ tháng 1, tốc độ còn chậm và chỉ giới hạn ở người cao tuổi. Đến cuối tháng 3, Tổng thống Pháp một lần nữa thông báo lệnh phong tỏa cho một số khu vực gồm Paris và các vùng phía bắc, trước khi mở rộng dần ra toàn quốc", Phương kể.
Cô cho biết lệnh phong tỏa không hạn chế khắt khe các hoạt động đi lại vì lý do cá nhân, như mọi người có thể đi dạo trong bán kính 10km từ nhà riêng hoặc tụ tập theo nhóm nhỏ. Tuy nhiên, việc đóng cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm khác khiến cuộc sống ở Pháp trở nên ảm đạm.
"Paris vốn là trung tâm giải trí với vô số hoạt động văn hóa nghệ thuật, giờ trở nên đìu hiu, quán xá đóng cửa im lìm. Bản thân tôi cũng gặp không ít khó khăn trong công việc khi Pháp đóng cửa biên giới với các nước ngoài châu Âu", cô nói.
Đến cuối tháng 4, tình hình dịch ở Pháp đã có dấu hiệu suy giảm, đồng thời chiến dịch triển khai vaccine được đẩy mạnh. Điều này tạo điều kiện cho Pháp từng bước mở cửa.
Pháp hiện tại chỉ ghi nhận trung bình 142 ca nhiễm trong mỗi 100.000 dân. Quốc gia hơn 67 triệu dân đã báo cáo hơn 5,6 triệu ca nhiễm và hơn 108.000 ca tử vong. Hơn 34,2% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 14,7% hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Our World in Data.
Tia sáng về cuộc sống bình thường trở lại đến với người dân Paris, khi họ được phép dùng cà phê tại các quán ngoài trời, hay tới thăm các viện bảo tàng từ ngày 19/5 sau 6 tháng gián đoạn vì Covid-19.
"Ngày 19/5, người dân Paris đổ ra đường, xếp hàng dài bên ngoài các cửa tiệm, ngồi kín các quán bar ngoài trời bất chấp thời tiết âm u mưa gió. Bạn bè tôi đều rủ nhau đi xem phim, có người khoe đi vài ba lần trong mấy ngày chỉ để thỏa niềm mong mỏi bấy lâu", Phương kể.
Minh Phương tin kế hoạch áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới ở châu Âu sẽ khuyến khích mọi người tiêm vaccine. Cô cũng dự định tiêm vaccine vào tháng 6 tới, sau khi trở về từ chuyến công tác ở Tunisia.
Thanh Tâm