Ông Sim Chy, chủ tịch Hội Việt Nam Khmer, hội người Việt đang sinh sống tại Campuchia, cho biết trong nửa năm qua đã nhận được nhiều lời cầu cứu từ người Việt bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn về công việc thu nhập cao, họ bị giữ lại, cưỡng ép lao động không lương, bị đánh đập hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình.
"Có nhiều trang Facebook do cá nhân tự lập ra, kêu gọi người Việt Nam sang Campuchia đổi đời. Họ tổ chức đường dây đưa người sang đây rất tinh vi", ông Chy nói với VnExpress.
Ông cho biết tình trạng này xuất hiện tại các tỉnh như Preah Sihanouk, Kampong Speu và Svay Rieng. Hội Việt Nam Khmer đã tổng hợp những tài khoản mạng xã hội tự phát đăng tuyển lao động kiểu này và sẽ chuyển cho Bộ Nội vụ Campuchia để theo dõi.
Sau khi tin lời dụ dỗ của các đường dây lao động trái phép và sang Campuchia, đa số người Việt bị đưa vào làm ở các casino hoặc địa điểm kinh doanh qua Internet, ông Chy cho hay. Những "công ty" tuyển người Việt thường tập trung ở những nơi có đầu tư lớn từ Trung Quốc, điển hình là thành phố Sihanoukville, nơi trong nửa thập kỷ qua trở thành "thủ phủ casino" của Campuchia.
Theo ông, một số cơ sở có thể giữ trái phép 70-80 lao động, có những nơi lên đến 200-300 người. Hồi tháng 7, Hội Việt Nam Khmer phát hiện trường hợp vài trăm người Việt bị lừa qua lao động trái phép ở tỉnh Kampong Speu.
"Một số người Việt sinh sống tại Campuchia cũng trở thành nạn nhân của các đường dây này, phải liên hệ Hội Việt Nam Khmer nhờ giải cứu hoặc cơ quan chức năng can thiệp", ông nói.
Trong cuộc họp báo ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng đã cứu thoát, đưa về Việt Nam hơn 500 công dân và hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn người khác tại Campuchia. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây đưa người đi lao động trái phép ở Campuchia và phát cảnh báo công dân liên quan đến vấn đề này.
Bộ Ngoại giao đã đề nghị Campuchia tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở lao động, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh giải trí để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường sử dụng lao động bất hợp pháp, bảo vệ và giải cứu những trường hợp lao động nước ngoài, trong đó có công dân Việt Nam, bị chủ bóc lột.
Ông Sim Chy cho hay hồi đầu năm, trang Facebook Hội Việt Nam Khmer có tháng nhận được hàng chục tin báo từ những người bị lừa sang Campuchia.
Trong các trường hợp này, nạn nhân thường đại diện cho một nhóm người tìm cơ hội gửi tin nhắn cầu cứu ra ngoài. Sau khi tiếp nhận lời kêu cứu, Hội Việt Nam Khmer đã chuyển lại thông tin cho Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Campuchia để tìm hướng giải quyết.
"Nhiều lúc từ một tin báo, khi đại diện của sứ quán cùng cơ quan chức năng Campuchia đến hiện trường, họ phát hiện thêm mấy chục người nữa đang bị giữ lại", ông kể.
Đại diện hội người Việt tại Campuchia chia sẻ cá nhân ông và các cộng sự đều cảm thấy rất đau lòng khi chứng kiến cảnh đồng bào mình bị ngược đãi, trong đó một số người Việt đã bị thương khi nhảy lầu để tự tìm đường thoát khỏi nơi giam cầm.
Theo ông Chy, ngoài đóng vai trò đầu mối thông tin cho cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Campuchia giải cứu công dân, Hội Việt Nam Khmer còn nỗ lực hỗ trợ khi được tin có đồng bào tự trốn thoát khỏi cơ sở lao động trái phép. Các đại diện của hội cố gắng giúp đỡ nạn nhân có chỗ ăn nghỉ và liên lạc để người thân đến biên giới nhận người về.
Giới chức Campuchia đang đẩy mạnh truy quét tội phạm lừa đảo, buôn người, cho hay nạn nhân thường bị thu hút bởi những lời mời chào về mức thù lao hấp dẫn, song khi đến nơi lại bị ép làm công việc bất hợp pháp, không đúng như thỏa thuận ban đầu.
Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng Campuchia Sar Kheng, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người (NCCT), ngày 26/8 cho biết nước này từ đầu năm đã xác minh 87 vụ án nghi buôn người, giải cứu 865 nạn nhân, đưa ra xét xử 17 vụ với 60 bị cáo.
Ông Sar Kheng trước đó thông báo chính phủ Campuchia đã mở cuộc rà soát quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia, chú trọng tìm kiếm các nạn nhân của những kẻ buôn người.
Ông Chy cho rằng người Việt Nam cần tỉnh táo khi được mời sang lao động tại Campuchia, chỉ chấp nhận những con đường chính thức để tránh sa vào cạm bẫy buôn người đội lốt "việc nhẹ, lương cao".
Trong trường hợp thiếu thông tin, người có nhu cầu lao động ở Campuchia cần liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước này để xác thực trước khi quyết định. Ngoài ra, người lao động cần yêu cầu bên môi giới cung cấp hợp đồng chính thức và cụ thể tại Việt Nam, quy định trách nhiệm giữa các bên trước khi đặt chân sang xứ người.
"Mọi thỏa thuận lao động cũng như con đường xuất nhập cảnh phải hợp pháp thì bà con mới không rơi vào tình cảnh bị lừa đảo", ông đưa ra khuyến cáo.
Thanh Danh