![]() |
Một góc phố Ansan, ngoại ô Seoul. Ảnh: Thanh Niên. |
Ansan vui nhất là vào cuối tuần, ngày nghỉ của công nhân hai khu công nghiệp rất lớn gần đó. Bạn sẽ thấy ở trên đường phố, những vỉa hè, từng tốp công nhân Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh, Việt Nam nhộn nhịp mua sắm, nhộn nhịp thăm hỏi nhau. Họ là những công nhân đến lao động tại Hàn Quốc và họ cũng tạo ra bộ mặt quốc tế của khu phố Ansan với những cửa hàng bán thực phẩm mang dòng chữ World Food (thực phẩm thế giới), những cửa hàng điện thoại di động với đủ các thứ tiếng.
Bạn có thể thấy rau muống, cà pháo, thì là, khổ qua bày bán đầy trên đường phố, sạp thực phẩm ở Ansan. Những cửa hàng điện thoại di động có nhân viên người Việt Nam đứng chào hàng. Công nhân Việt Nam, du học sinh, cô dâu Việt cùng những ông chồng Hàn thường chọn Ansan làm nơi gặp gỡ, ăn uống, thăm hỏi lẫn nhau. Riêng những cô dâu Việt đã trốn chồng Hàn thì thường tránh đến Ansan vào dịp cuối tuần, họ ngại những ông chồng sẽ xuất hiện để tìm bắt.
Quán Việt ở Ansan
Tới Ansan, tôi nhờ một công nhân Việt gặp ở chỗ đón xe buýt, dẫn đến quán Quê Hương. Bên ngoài quán, tôi bắt gặp ngay thực đơn với nhiều món như thịt cầy, bún thịt cầy, phở, cháo lòng, miến gà, hột vịt lộn. Trong quán là những thực khách Việt Nam, những cô dâu Việt đi cùng chồng Hàn, có cả gia đình người Hàn Quốc đến đây để thưởng thức món Việt. Chị Lê Thị Thu, chủ quán, một phụ nữ gốc Thanh Hóa lấy chồng Hàn và sang Hàn Quốc năm 1994, đến năm 2002 chị khai trương Quê Hương - quán Việt đầu tiên ở Ansan. Chị còn có một quán karaoke dành cho người Việt gần đó với cái cổng được trang trí bằng màu quốc kỳ Việt Nam đỏ chói.
Quán chị Thu đã được giới thiệu nhiều lần trên báo, trên truyền hình Hàn Quốc như một địa điểm thưởng thức món ăn Việt hấp dẫn. Chị nói thực khách quán chị 80% là người Việt, 20% là người Hàn. Món mà người Hàn khoái khẩu là phở, chả giò. Trong quán chị Thu còn có treo ảnh Bác Hồ, tivi luôn phát chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Chị Thu nói: "Tôi muốn tạo ra một không gian Việt để anh em cuối tuần đến đây vừa ăn tô phở, uống ngụm bia, vừa theo dõi tin tức, xem phim ảnh Việt Nam". Chị Thu cho biết: công nhân các nước bắt đầu đổ về Ansan từ năm 2000, khu phố quốc tế Ansan bắt đầu từ đó.
Cuối phố Ansan là một quán Việt khác có tên Asia Điểm Hẹn. Chủ quán là một phụ nữ dễ mến gốc Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, tên Trà Thị Nên, trước đây sang lao động rồi sau lấy chồng Hàn Quốc. Chị Nên nói: "Lúc trước tôi không định mở quán, nhưng sau đó nhiều người nói với tôi rằng một quán Việt ở đây là không đủ vì Ansan giờ đã có rất đông người Việt".
Quán chị mở đã được 2 năm, thực đơn có thịt cầy, phở, hủ tiếu, bánh ướt. Ngày cuối tuần chị nấu thêm bún bò Huế, bò kho. Còn thứ tư, ngày các công nhân Việt Nam được nghỉ sớm, chị nấu bún riêu là một món rất hút khách. Chị Nên tâm sự: "Mở quán này có niềm vui là ngày nào cũng tiếp xúc với người Việt, được nghe tiếng Việt. Âu đó cũng là niềm an ủi cho tôi trong những tháng ngày sống trên đất khách".
Phố Việt không yên tĩnh
Chị Nên đang tiếp chuyện tôi thì có một đám thanh niên xôn xao kéo đến hỏi: "Hôm nay có bún riêu không? Có bánh đa không?". Họ vào quán, loáng vài phút là trong quán đã loạn lên tiếng xô xát, đánh nhau. Một thanh niên bị đập chai bia vào đầu máu loang cả mặt. Một lúc sau tôi gặp người quen cũ là chị Son Han Phương cũng tất tả chạy đến vì trong đám đánh nhau có người quen của chị. Tôi nhớ câu nói chị Phương khi lần đầu gặp tôi ở phố Ansan: "Người Việt bên này bài bạc, trộm cắp, gây gổ đánh nhau là số một". Còn chị Nên thì nói: "Bình thường thì không sao, nhưng khi có rượu vào thì không hiểu sao họ thành ra vậy".
Những câu chuyện tiêu cực của người Việt trên đất Hàn trước đó tôi cũng nghe kể. Nhưng những người Việt ở Ansan cũng trấn an tôi rằng đó chỉ là một số nhỏ. Người Việt ở Ansan đa số chăm chỉ, hiền lành trong những ngày nhọc nhằn mưu sinh trên đất khách. Và những ngày cuối tuần, phố Ansan vẫn là điểm hẹn vẫy gọi họ tìm đến để gặp gỡ bạn bè, thưởng thức món ăn Việt và chia sẻ với nhau nỗi nhớ quê hương.
(Theo Thanh Niên)