Tại hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam do Saigon Co.op tổ chức ở TP HCM, bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc bộ phận đối tác bán lẻ Nielsen Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu dùng của người Việt đang có nhiều thay đổi so với trước đây.
Cụ thể, người Việt ngày càng quan tâm tới sức khỏe và dám chi tiền để mua các sản phẩm cao cấp. So sánh trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ mua sắm hàng cao cấp của người Việt đang cao hơn rất nhiều các quốc gia khác. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, hầu hết người mua đều cho biết khi mua sản phẩm cao cấp họ cảm thấy tự tin và thành công hơn. Người tiêu dùng mua sản phẩm cao cấp đa phần không quan tâm nhiều tới giá cả mà họ chú ý tới thành phần, nguyên liệu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chức năng của sản phẩm vượt trội và phong cách thiết kế hiện đại.
"Sức mua sản phẩm cao cấp của người Việt ngày càng tăng. Đặc biệt, các nhóm sản phẩm organic, tự nhiên hay tốt cho sức khỏe dù chiếm tỷ trọng chưa lớn trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhưng tốc độ tăng trưởng của nhóm này luôn ở mức hai con số. Điển hình như nhóm kem đánh răng tự nhiên đang tăng 65% một năm", bà Trang nói
Bên cạnh việc dám chi tiền cho các món hàng cao cấp, người tiêu dùng Việt còn thích mua sắm tại những nơi tích hợp nhiều tiện ích và tiện lợi (mua sắm - ăn uống - giải trí - giao hàng).
Đồng quan điểm với bà Trang, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cũng đưa ra dẫn chứng, người tiêu dùng ngày càng chi tiền mạnh cho hoạt động mua sắm, nhất là những nơi tích hợp nhiều tiện ích. Điển hình như tại Aeonmall, đơn vị này mở ra trung tâm thương mại ở vị trí nào là nơi đó đông đúc và đạt doanh thu cao. Bởi lẽ, các trung tâm này không chỉ rộng, hàng hóa đa dạng mà họ còn tích hợp đủ các tiện ích cho người tiêu dùng. Song song đó, các chương trình tri ân khách hàng hàng tháng, giảm giá cho khách hàng thân thiết cũng đã góp phần giúp doanh nghiệp này chiếm được tình cảm người tiêu dùng. Do đó, xu hướng trung tâm thương mại tích hợp nhiều tiện ích sẽ là xu hướng phát triển bùng nổ cùng với cửa hàng tiện lợi.
Ở một khía cạnh khác, theo nghiên cứu của Kantar, nhóm mang lại doanh thu nhiều nhất cho ngành hàng bán lẻ hiện nay là nhóm 8x và 9x. Trong đó, 56% nhóm này luôn lựa chọn đồ uống là món hàng mà mỗi lần họ mua sắm. Ngoài ra, các sản phẩm nhập khẩu và nhãn hàng riêng cũng đang được khách hàng lựa chọn nhiều hơn so với trước đây.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước.
Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và nối tiếp đà tăng trưởng tốt của 2 - 3 năm gần đây. Theo các chuyên gia, dự địa của thị trường bán lẻ Việt còn nhiều và nếu biết cách khai thác thì thị trường vẫn khá tiềm năng.
Thi Hà