![]() |
Trần Tiên Phong. |
CCIE (Cisco Certified Internetwork Expert) là chứng chỉ có giá trị nhất hiện nay và trở thành một trong những chỉ tiêu đánh giá trình độ phát triển CNTT của quốc gia.
Phong cho biết CCIE Lab là phần thi về thực hành trên thiết bị thực của Cisco. Mỗi thí sinh dự thi nhận được một mô hình mạng phức tạp với nhiều phương thức kết nối khác nhau cùng những yêu cầu ghi trên một tài liệu (gọi là Lab Booklet) dài khoảng 20-25 trang và thời gian hoàn thành là 8 tiếng. Bài thi được chia thành nhiều chủ đề (topic) với tổng số điểm là 100 và thí sinh phải đạt được tối thiểu 80 điểm thì mới đỗ.
Để có được kết quả như vậy, ngoài nỗ lực của bản thân, Phong còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo cũng như đồng nghiệp trong Trung tâm, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh tập trung học thi. Điểm đặc biệt là Phong không phải dân chuyên về kỹ thuật (anh tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương). "Điều quan trọng để đạt CCIE là ý chí và quyết tâm. Xuất phát điểm từ đâu không quan trọng lắm, mà là hard working + practice + practice + practice = CCIE (chăm chỉ + thực hành + thực hành + thực hành = CCIE)", anh khiêm tốn nói.
Hiện tại, Phong có trong tay tổng cộng 8 chứng chỉ, gồm CCIE, CCNA, CCNP, CCDA, MCSE, CSE Wireless, IPT Solution và VoIP Design. Đây quả là thành tích đáng nể đối với một người trẻ tuổi như anh. Trong tương lai, Phong dự định kiếm thêm một số chứng chỉ nữa để làm phong phú bộ sưu tập của mình.
Khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều người đạt được CCIE, như: Thái Lan (26), Singapore (81), Philippines (6), Malaysia (48), Trung Quốc (617) và Hong Kong (105).
Người Việt Nam đầu tiên đạt CCIE là Hứa Văn Thế Phúc - một cựu nhân viên FPT và hiện nay đang công tác tại Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin EIS (Vietnam Knowledge Center).
Thanh Tú