Người này nhập Bệnh viện Việt Đức cuối tháng 9, được duy trì sự sống bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO). "Cách duy nhất cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan", TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói chiều 9/10.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, là bệnh viện vệ tinh, có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình người bệnh có nguyện vọng hiến tạng.
Một êkíp Việt Đức vào Nghệ An hỗ trợ hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng (trong trường hợp có thể lấy được tạng). Trưa 1/10, các bác sĩ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của anh có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.
Đồng thời tại Hà Nội, một cuộc họp hội đồng chuyên môn được triệu tập với các chuyên gia trong lĩnh vực Hồi sức, Tim mạch, Gan, Thận. Đây là ca phẫu thuật thách thức, cần cân nhắc các tình huống do cả gan, tim, thận của bệnh nhân đều suy ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Trong cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng không thể ghép do tình trạng người bệnh quá nặng, nhóm khác yêu cầu chỉ ghép tim hoặc gan chứ không thể ghép đồng thời, bác sĩ Hùng kể lại.
Tuy nhiên, Hội đồng khoa học bệnh viện quyết định vẫn tiến hành ghép đồng thời. Một nhóm bác sĩ Việt Đức ở lại giúp Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện đồng thời hai ca ghép thận tại viện, nhóm còn lại nhanh chóng đưa tạng lấy được về Hà Nội. Sau hơn ba tiếng di chuyển, tạng về đến Bệnh viện Việt Đức.
Trái tim và gan của người hiến được ghép vào cơ thể người nhận. Sau 8 tiếng phẫu thuật, trái tim ghép bắt đầu đập trở lại. Sau 36 tiếng, các chức năng gan, tim hồi phục dần. "Trái tim mới đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên. Bệnh nhân được rút nội khí quản, tỉnh táo", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay.
Hiện tại, sau hơn một tuần ghép, bệnh nhân có thể nói chuyện, chức năng tim tốt lên hàng ngày, chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng", PGS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, nói, thêm rằng "Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng".
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Trong đó, khoảng 80 ca ghép tim thành công, chủ yếu tiến hành ở Bệnh viện Việt Đức.
Lê Nga