Anh Duy, 27 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở TP HCM, đặt chân đến Israel nhằm thỏa niềm đam mê khám phá khu vực Trung Đông cũng như đất nước Israel và một phần của Palestine ở khu Bờ Tây, ngày 30/7. Xác định đây là một khu vực phức tạp về an ninh, Duy đã có những bước chuẩn bị đề phòng khủng hoảng nổ ra, nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải có lúc tìm nơi trú ẩn giữa làn rocket.
19h40 ngày 8/8, khi tới sân bay Ben Gurion ở thành phố Lod của Israel, Duy lần đầu tiên trong đời nghe tiếng còi báo động không kích vang lên, cảnh báo mọi người xuống hầm tránh bom. Trải nghiệm đó hoàn toàn khác với còi báo cháy chung cư ở nhà, Duy cho hay.
"Tôi đang đeo tai nghe, mải trò chuyện với bố mẹ ở nhà thì nhân viên an ninh chạy đến đập bàn, bảo rằng rocket đang bay qua. Anh ta nói mọi người đang sơ tán, còn nhấn mạnh tôi phải biết chú ý giữ an toàn", Duy, kể lại với VnExpress khoảnh khắc "hãi hùng nhất" trong chuyến du lịch tìm hiểu Israel và Palestine.
Căng thẳng gia tăng từ ngày 5/8, khi Israel không kích thành phố Gaza với lý do "đánh phủ đầu" nhằm ngăn chặn kế hoạch tấn công của tổ chức dân quân Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), khiến một chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang và 14 người thiệt mạng, chấm dứt hơn một năm yên bình ở Dải Gaza. PIJ sau đó phóng rocket vào lãnh thổ Israel để trả đũa.
Ngày đầu tiên chiến sự bùng phát, Duy đang ở Bethlehem tại khu Bờ Tây thuộc Palestine. Khi quay về khách sạn trong Thành Cổ ở Jerusalem, Duy cảm thấy bầu không khí ngày càng căng thẳng, dù giao tranh tập trung ở Dải Gaza và khu vực lân cận.
"Lực lượng an ninh xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Trên bầu trời, nhiều thiết bị bay không người lái xuất hiện, khiến nhiều người cảm thấy bất an", anh kể. "Tôi cũng cảnh giác hơn, liên tục cập nhật tin tức".
Trong những ngày tiếp theo, Israel tiến hành các cuộc không kích răn đe, trong khi PIJ tiếp tục tập kích rocket. Giới chức quốc phòng Israel cho biết rocket của PIJ rơi xuống Dải Gaza và khu vực ngoại ô thành phố Tel Aviv, Jerusalem, khiến cư dân tại đây phải sơ tán tới nơi trú ẩn.
Ngày 6/8, khi Duy đến tham quan Núi Đền, người dân địa phương cảnh báo anh "chọn nhầm ngày xấu". Xung đột quân sự khiến tình hình chính trị, mâu thuẫn tôn giáo ở khu vực cũng trở nên căng thẳng hơn.
Duy đã chứng kiến nhiều vụ chạm trán căng thẳng giữa người Hồi giáo địa phương với những đoàn hành hương Do Thái. Hôm đó cũng là lễ Tisha B'Av của người Do Thái, nên du khách được cho phép vào khu di tích đông hơn bình thường.
Đến ngày 8/8, Duy cảm nhận rõ rệt nhất bầu không khí nóng bỏng của xung đột, khi tới sân bay Ben Gurion, cách Tel Aviv khoảng 12 km và Jerusalem khoảng 45 km.
Thành phố Lod, nơi có sân bay Ben Gurion, từng là một trong những mục tiêu tập kích của lực lượng Hamas khi chiến sự giữa Israel và Dải Gaza bùng phát hồi tháng 5 năm ngoái. Trong đợt giao tranh mới nhất, thành phố tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động.
Khi được yêu cầu xuống hầm tránh bom của sân bay Ben Gurion, Duy cố gắng định hình phương hướng để tìm nơi trú ẩn. Trong lúc chạy tới hầm cách chỗ ngồi khoảng 150 m, Duy nghe rõ tiếng rít trên bầu trời phát ra từ những quả rocket bay ngang sân bay.
Duy nhận thấy trong sân bay có rất nhiều phòng trú ẩn được bố trí tại lối thang thoát hiểm, được thiết kế lớp bảo vệ chắn bom đạn. "Mọi người ẩn náu trong căn phòng khoảng 20-30 phút, trước khi thông báo an toàn được phát ra", anh kể.
Đó cũng là một trong những loạt rocket cuối cùng từ Dải Gaza phóng về phía các vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát ở Bờ Tây, trong ba ngày giao tranh bùng phát. Đến đêm 8/8, các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn với Ai Cập làm trung gian đàm phán.
Trong ba ngày giao tranh, các cuộc không kích của Israel khiến ít nhất 44 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 15 trẻ em, và làm 360 người bị thương, theo cơ quan y tế ở Gaza. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc ở Trung Đông Tor Wennesland nói các nhóm vũ trang Palestine đã phóng hơn 1.100 quả rocket nhắm vào Israel và những khu vực do nước này kiểm soát, nhưng khoảng 20% số rocket hụt tầm và rơi xuống Gaza.
Duy cho hay người dân sống tại thành phố Lod, cũng như nhiều khu vực khác ở Israel, đã quá quen với việc xuống hầm trú ẩn khi báo động rocket vang lên. Mọi công trình khi thiết kế đều tính tới kịch bản đề phòng bị tập kích rocket. Những điểm du lịch phổ biến ở khu vực này cũng có rất nhiều tấm chắn đạn được bố trí nhiều nơi.
"Mọi thứ lại trở lại với nhịp sống bình thường ngay khi mọi người bước ra khỏi phòng trú ẩn. Tất cả lại ra ngồi cafe, mua sắm, làm việc ở sảnh chờ chuyến bay. Cứ như chưa từng có chuyện gì xảy ra", Duy kể.
Thanh Danh - Hương Ly