Sinh viên Việt Nam tham gia trong đoàn tình nguyện viên tới các tỉnh đông bắc Nhật Bản hỗ trợ khắc phục hậu quả trận động đất sóng thần lịch sử. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Tôi là một du học sinh tại Nhật tham gia hoạt động tình nguyện mang tên "Tohoku Volunteer Program" đến vùng Tohoku, đông bắc Nhật Bản, trong hai ngày 22, 23/10/2011, phụ giúp công việc dọn dẹp và khắc phục hậu quả do sóng thần tại các địa phương này sau trận động đất sóng thần lịch sử. Chương trình được thực hiện và hỗ trợ bởi một tổ chức phi chính phủ với đối tượng tham gia là sinh viên các quốc gia châu Á đang theo học tại Nhật.
Tôi có mặt tại tỉnh Iwate, một trong ba tỉnh vùng đông bắc nước Nhật chịu thiệt hại sóng thần nặng nề nhất, với trên 4.600 người chết, 1.400 người mất tích, nhiều vùng thị trấn bị xóa sổ, các bến cảng, cơ sở ngư nghiệp đều bị hủy hoại. Trải qua hành trình dài 600 km từ Tokyo đến tỉnh Iwate bằng xe tốc hành, đúng 7h sáng, nhóm bạn trẻ chúng tôi tham dự buổi sinh hoạt đầu giờ phổ biến thời gian và địa điểm thực hiện công việc cho các nhóm tình nguyện viên. Ước tính ngày hôm đó có tổng cộng khoảng 300 tình nguyện viên tham gia.
Có rất nhiều nhóm tình nguyện viên, đến từ khắp mọi nơi trên đất nước Nhật, từ các trung tâm phúc lợi xã hội của các tỉnh thành, hoặc từ các trường đại học, các tổ chức hội đoàn… có mặt tại đây để phụ giúp địa phương trong công tác khắc phục hậu quả sóng thần. Hoạt động này đã diễn ra liên tục từ sau ngày xảy ra sóng thần và sẽ còn duy trì đến khi công việc dọn dẹp hoàn tất.
Ảnh tình nguyện viên Việt Nam tại Iwate
Trung tâm điều phối hoạt động tình nguyện được đặt tại trụ sở Trung tâm phúc lợi xã hội của thành phố Tono, tỉnh Iwate, cách bờ biển tức địa bàn sóng thần khoảng 50 km. Khu nhà thi đấu thể thao nằm trong khuôn viên trung tâm, nay được tận dụng làm chỗ ở cho các nhóm tình nguyện viên đến làm việc.
Hàng ngày, tình nguyện viên được xe đưa đón đến địa bàn phụ giúp dọn dẹp tại các khu vực chịu thiệt hại sóng thần, hết ngày làm việc được đưa trở lại về nghỉ ngơi tại đây. Như vậy, tính riêng khoảng chi phí điện nước, xăng xe phục vụ lực lượng tình nguyện viên đã là một khoản không nhỏ mà địa phương ở đây phải bỏ ra cho hoạt động tình nguyện.
Nhà thi đấu được ngăn làm hai khu vực nam nữ riêng biệt. Ban ngày có thể qua lại trò chuyện sinh hoạt, đến giờ nghỉ thì về đúng khu vực của mình. Lực lượng tình nguyện viên thay đổi hàng ngày. Hết lượt này đi lại có lượt khác đến. Những người mới đến tự giác tìm vị trí còn trống để cất hành lý và tư trang. Mỗi người san sẻ chỗ trống cho nhau một ít. Mọi người tuyệt đối tôn trọng không xâm phạm của cải lẫn nhau. Mỗi người được một tấm chiếu Nhật tatami diện tích 0,9x1,8 m để ngủ qua đêm. Ban ngày thì rộng rãi, đến đêm thì chật kín người. Có trải qua cảm giác sống tập trung, ngủ nghỉ sinh hoạt giữa nhà thi đấu thế này mới thấu hiểu tình cảnh khốn khó của những người mất nhà cửa sau sóng thần, phải sống như vậy hàng tháng trời trước khi được hỗ trợ chỗ ở tạm.
Việc phân loại rác theo từng loại riêng biệt như: rác cháy được, rác không cháy được, rác kim loại, chai PET... là một quy định bắt buộc ở Nhật, cũng được thực hiện quy củ tại khu ở tập trung này. Ngoài ra, do chỉ có 4 phòng tắm (2 nam, 2 nữ) dùng chung cho tất cả mọi người, do đó có quy định mỗi người chỉ được phép tắm không quá 15 phút/lượt, và đăng ký trước lịch tắm bằng cách đánh dấu vào "khung giờ" phù hợp được ghi trên tấm bảng. Tinh thần nhường nhịn chia sẻ được đề cao.
Trung tâm điều phối hoạt động tình nguyện Tono phụ trách điều chuyển lực lượng tình nguyện viên đến thực hiện công việc tại 3 địa điểm lân cận là Rikuzentakata, Ofunato và Kamaishi - những thị trấn ven biển vốn sầm uất mà nay vẫn ngổn ngang trong đống đổ nát do sóng thần để lại. Nhóm chúng tôi được điều động đến Kamaishi, nằm cách Tono 50km về phía đông.
Sau gần 45 phút thì xe bắt đầu đi vào khu vực trung tâm thị trấn Kamaishi. Dấu vết tàn phá của sóng thần dần hiện ra trước mắt. Những ô phố ngay ngắn nay trơ trọi bãi đất trống, lác đác vài khung nhà nham nhở còn sót lại. Người hướng dẫn trên xe cho biết mực nước sóng thần tại đây gần 8 mét, ngang ngửa tầng 3 một tòa nhà bình thường. Giao thông đường sắt đến thị trấn vẫn chưa thể khôi phục. Việc tiếp cận khu vực này được thực hiện hạn chế, và một số địa điểm vẫn được khuyến cáo vui lòng không quay phim, chụp ảnh.
Từ trung tâm thị trấn, nhóm tình nguyện viên tiếp tục theo xe đi đến khu vực làm việc tại các điểm dân cư ven biển. Càng gần tới sát biển, cảnh tượng phá hoại của sóng thần càng hiện ra rõ hơn. Nơi trước kia là một sân trường học, nay được trưng dụng làm bãi tập kết vật liệu từ các đống đổ nát. Tòa nhà phía sau là ngôi trường với dấu vết các phòng học bị tàn phá vẫn còn vẹn nguyên.
Địa điểm làm việc của nhóm chúng tôi là một ngôi làng sát biển với phong cảnh đẹp hữu tình đến nao lòng. Ắt hẳn, nếu không có cơn sóng thần kinh hoàng kia thì ngôi làng này giờ đây vẫn rất đẹp và thanh bình. Ngôi làng nay gẫn như bị xóa sổ và chắc là sẽ còn rất lâu mới có thể xây dựng lại được như ban đầu.
Người phụ trách trực tiếp hướng dẫn rất nghiêm túc về thời gian và nội quy làm việc. Họ hướng dẫn giải thích vô cùng chi tiết và kỹ lưỡng, thậm chí dài dòng quá mức cần thiết, song điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của người Nhật trong mọi công việc, dù là việc đơn giản nhất.
Rất nhiều ngôi nhà đã bị sóng thần cuốn sạch, chỉ còn lại trơ trọi nền đất với gạch gỗ ngổn ngang. Mỗi ngày, mỗi nhóm tình nguyện viên được điều động để phụ giúp dọn dẹp cho từng gia đình một. Những gia đình bị cuốn trôi nhà cửa nay vẫn phải sống tạm tại những khu tập trung do chính quyền hỗ trợ. Hôm chúng tôi có mặt phụ giúp dọn dẹp tại đây, bác chủ nhà là một phụ nữ chừng trên 60 tuổi cũng có mặt để bày tỏ lòng cảm ơn và mua nước uống, trái cây động viên tinh thần các bạn trẻ.
Quay trở về điểm ở sau một ngày làm việc, tôi tranh thủ lướt qua những dòng chia sẻ cảm nghĩ của các tình nguyện viên. Trên tấm bảng có một câu in đậm "Arigato", có nghĩa là “Cảm ơn” thay cho lời cảm tạ, nhưng thú vị thay, đó không phải từ người dân địa phương, mà ngược lại, là lòng cảm ơn chân thành từ những người tình nguyện dành cho vùng đất này.
Bởi cũng tương tự như rất nhiều ý kiến cảm tưởng được ghi ra ở đây, bản thân tôi cảm nhận việc mình có mặt tại đây phụ giúp dọn dẹp trong vài ngày ít ỏi thật sự vô cùng nhỏ nhoi, mình chưa cho đi được điều gì lớn lao, song được nhận lại bài học quý giá về đạo đức và lòng nhân ái của người dân ở đây nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung trong hoàn cảnh khó khăn, bài học về tính nền nếp quy củ - điều quan trọng cần thiết của một xã hội văn minh, bài học về công tác điều hành tổ chức hoạt động tình nguyện của người Nhật, và hơn hết là bài học trực quan sinh động về tinh thần lạc quan vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục cuộc sống.
Cầu chúc cho người dân Iwate nói riêng và người dân vùng đông bắc nước Nhật nói chung, nơi đã gánh chịu hậu quả nặng nề của trận động đất sóng thần lịch sử, sớm xây dựng lại và ổn định cuộc sống, như tinh thần kiên cường của họ được thể hiện bằng một câu cổ động trên áp phích 「命なんだ、出発点なんだ」, tạm dịch: “Số phận mang đến điều bất hạnh, nhưng cũng mang đến cho ta điểm khởi đầu mới”.
Trần Tuấn Nam
Tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa tại Nhật, mời độc giả của VnExpress gửi video clip, hình ảnh, bài viết. Các bài của độc giả sẽ có thể được đăng (phi lợi nhuận) trên báo. Nội dung các bài/ảnh/clip có thể nói về: Nhật Bản trong công cuộc tái thiết (ảnh, video do bạn tự chụp); những người Nhật khiến bạn khâm phục hoặc yêu mến; ký ức và cảm xúc của bạn cách đây một năm khi xem, đọc tin tức về thảm họa động đất, sóng thần; và các chủ đề thích hợp khác. Cả thế giới đang cùng nhìn lại thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất thế kỷ này để rút ra những kinh nghiệm cho tương lai. Xin mời các bạn cùng tham gia tại đây. |