Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress về vấn đề giao thông và tắc đường.
Như các bạn biết tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM rất khó giải quyết. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là đông người và ít đường quá. Nguyên nhân phụ là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, không tôn trọng luật lệ giao thông, không có phân luồng giao thông hợp lý, nước ngập, tăng số lượng xe hơi và một số nguyên nhân khác.
Cách giải quyết rốt ráo nhất là di dời dân cư. Cách này thì rất không được vì nhà nước không thể di chuyển toàn bộ công việc và công ty ở thành phố lớn ra các nơi khác.
Sau đó là làm sao cho đường rộng ra và nhiều thêm. Cách này càng không được vì nhà nước không thể đền bù nổi cho số hộ dân phải di dời. Đó là chưa kể tới sự phản đối của các hộ dân nhà mặt phố Hà Nội nay lại phải đi nơi khác.
Các biện pháp hữu hiệu chỉ đơn giản là làm sao cho nhiều người dân đi từ nơi này sang nơi khác nhanh nhất có thể. Nói tóm lại, đó là giao thông công cộng. Nhưng mà giao thông công cộng loại nào?
Những nước phát triển dùng các loại phương tiện như: xe điện ngầm, xe điện, và xe buýt trên đường phố. Các thành phố lớn đông dân đều phải dùng giao thông công cộng làm chính vì chẳng có ai đủ khả năng xây đường để phục vụ nhu cầu đi lại của mấy triệu, hay thậm chí là mấy chục triệu xe hơi.
Vì vậy các cố gắng của thành phố để giảm ùn tắc giao thông đều nhằm vào giao thông công cộng. Xe buýt là đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và có hiệu quả ngay nhưng lại bị người dân ghét nhất. Họ ghét vì xe buýt đi trên con đường mà xe máy, xe hơi lấy hết cả đường đi của họ.
Các thành phố đông dân đều không thể sống nổi chỉ với xe buýt. Xe điện ngầm mới là cột sống gánh cái gánh nặng giao thông của các đô thị hiện đại. Vì vậy, Hà Nội hay TP HCM trước sau gì cũng phải phát triển hệ thống giao thông xe điện ngầm, hay là người dân phải chịu khó dành chừng vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để di chuyển vài cây số tới chỗ làm.
Xây xe điện ngầm thì rất tốn tiền và rất tốn thời gian. Cho dù nhà nước có bắt đầu ngay từ bây giờ thì cũng còn hàng năm nữa mới có đủ tàu điện để mà đi. Trước mắt thì ngừơi dân phải đi xe buýt.
Nhưng vì lý do nào đấy người dân vẫn quyết tâm không đi xe buýt. Những ai có đủ khả năng để mua xe máy thì thế nào cũng đi xe máy. Xe buýt ư? Đó là phương tiện dành cho sinh viên và những kẻ nghèo khổ.
Thói quen ưa thích tiện ích cá nhân của người Việt Nam trong giao thông đã phát triển theo một xu hướng hoàn toàn ngược lại với sự phát triển của kinh tế. Người dân các nước phát triển đòi hỏi các khu chợ, trung tâm mua sắm phải cách xa nhà dân vì không ai chịu nổi tiếng ồn và giao thông như mắc cửi. Họ cũng không muốn chịu cảnh hít khói xe, phơi mưa phơi nắng ngoài đường nên họ đi xe buýt, xe điện.
Còn người Việt Nam thì yêu thích mua bán, ăn uống trên đường và chấp nhận phơi mưa ngâm nước trong ngập lụt để đổi lấy khả năng muốn ghé đâu thì ghé, không phải đi bộ chừng 20 phút mới tới nơi.
Bởi vậy nên lòng đường và lề đường mới bị chiếm mất do các hàng ăn, người bán hàng rong và chợ tự phát. Người dân khi đi trên đường thì giận dữ rằng vì sao lòng lề đường bị lấn chiếm, để rồi họ lại dừng xe máy và vào ăn hay mua của chính các hàng đấy.
Thói quen dùng phương tiện giao thông của các đô thị trên thế giới không phải tự nhiên mà có. Nó phát triển bằng chính sách cây gậy và củ cà rốt của nhà nước. Cà rốt là sự tiện ích của việc dùng phương tiện công cộng, không bị nắng mưa, ít sợ tai nạn và rẻ tiền.
Còn cây gậy là cái giá phải trả khi dùng phương tiện cá nhân. Ở New York, không ai có thể cấm xe hơi ở nơi khác tới mà ở Mỹ thì ai cũng có xe, nên họ đánh phí đậu xe cực đắt. Còn kẻ nào đỗ bậy thì bị xe nhà nước kéo đi, phải tới lãnh về và tốn cả nghìn đô tiền phạt.
Việc cấm xe máy có thể là bước tiếp theo để hướng người dân về thói quen dùng xe buýt. Còn hiện tại thì làm thế nào người dân cũng sẽ kêu ca, nhưng những người kêu lại không đề ra được biện pháp khả quan nào cho nhà nước.
Trong một cơn lở tuyết, bông tuyết nào cũng bảo là mình nhỏ xíu, có làm gì được, nhưng khi tuyết đã lở thì bao nhiêu tuyết cũng phải đổ khỏi triền núi như nhau. Cho nên hiện giờ sẽ có rất nhiều người phải khổ để xe buýt có đường chạy, bằng không thì ai cũng sẽ khỏi phải đi đâu cả.
>> Xem thêm: Xe buýt nhanh BRT có giúp Hà Nội giảm kẹt xe?
Video được xem nhiều: Người đàn ông lái xe qua đường ẩu bị ôtô đâm ngã
Chia sẻ hình ảnh, video của bạn tại đây.