Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mới đây cho biết tiêu thụ vàng tại Việt Nam quý vừa qua đạt 17,2 tấn, giảm 2,4 tấn so với cùng kỳ 2022. Trong đó, tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm từ 14 tấn trong quý I năm ngoái xuống còn 12,6 tấn. Vàng trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống 4,6 tấn.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cho biết việc giảm này do hiệu ứng cơ sở, với mức nền so sánh cao khi quý I/2022 là quý người Việt có nhu cầu mua vàng trang sức mạnh nhất kể từ năm 2007.
Thời điểm đó, các chuyên gia cho biết lạm phát gia tăng và sự suy yếu của tiền đồng đã làm tăng sức hấp dẫn với vàng thể hiện qua phí bảo hiểm trong nước cao. Các lễ hội địa phương bao gồm dịp Tết Âm lịch, ngày lễ tình nhân và vía Thần Tài đã hỗ trợ nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, cùng với sự phục hồi của hoạt động kinh doanh về mức trước Covid.
Ngoài ra, theo đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng, tập quán tích trữ vàng của người Việt có truyền thống xa xưa, ngoài là của để dành của mỗi gia đình, vàng còn là kênh trú ẩn, chỗ đầu tư, sinh lời tốt cho nhiều người.
Tuy nhiên, diễn biến năm nay có sự thay đổi khi sức mua vàng trang sức của người Việt đầu năm chỉ tích cực vào dịp Tết Nguyên đán rồi giảm dần trong tháng 2, 3 do giá kim loại quý tăng cao. Giá vàng thế giới trung bình quý I là 1.890 USD một ounce.
Kết quả kinh doanh quý vừa qua của các doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh xu hướng do WGC ghi nhận. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có doanh thu thuần ba tháng đầu năm là 9.753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức nền cao kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu trang sức bán sỉ và vàng 24K giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022.
Tại phiên họp thường niên cuối tháng 4, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ nói quý đầu năm luôn là nền tảng cho cả năm bởi có mùa cao điểm bán hàng trước Tết Nguyên đán, vía Thần Tài và lễ Tình nhân, nhưng năm nay công ty cảm nhận khó khăn ngay giai đoạn này.
"Thị trường hiện rất mờ mịt và không loại trừ phương án còn chuyển biến xấu hơn", bà Dung nói. Dù vậy, người đứng đầu PNJ cho rằng có 50% xác suất sức mua có thể hồi phục vào 3 tháng cuối năm.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, việc tiêu thụ vàng giảm so với cùng kỳ là hợp lý vì giai đoạn nửa đầu năm ngoái, giá vàng tăng mạnh và lực mua cũng rất cao. Thị trường tài chính của Việt Nam khi ấy không tốt nhưng thị trường vàng sôi động. Trong khi đó, quý I vừa qua chứng kiến GDP tăng trưởng giảm tốc, riêng TP HCM rất thấp. "Trong lúc kinh tế khó khăn, người dân lo phòng thủ và dùng tiền chi tiêu cuộc sống chứ không ưu tiên mua vàng", ông Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng các kênh đầu tư khác bắt đầu có tín hiệu thoát khỏi vùng đáy, đơn cử như chứng khoán đầu năm nay cải thiện nên hút tiền trở lại. Thị trường này chỉ mới yếu đi cuối quý I đầu quý II.
Mức độ quan tâm về vàng theo đánh giá của ông Khánh cũng giảm. "Tuần trước, giá vàng thế giới lập đỉnh 2.078 USD mỗi once nhưng tôi thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư trong nước thấp", ông Khánh nhìn nhận.
Theo ông, việc người dân giảm mua vàng là tín hiệu tốt với nền kinh tế. Bởi tiền của dân nằm trong vàng được xem là "tiền chết". Do đó, nếu tiền này không bỏ vào vàng mà mang đi gửi tiết kiệm sẽ giúp ngân hàng huy động vốn để cho vay, chưa nói đến việc đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh", chuyên gia này phân tích.
Trong khi đó, tổng nhu cầu vàng của thế giới quý I đạt 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2022, theo WGC. Tiêu thụ vàng trang sức duy trì ổn định với 478 tấn nhờ người Trung Quốc tăng mua sau phong tỏa, bù lại cho cầu yếu của Ấn Độ.
Nhu cầu đầu tư vào vàng thỏi và xu vàng cũng tăng 5%, đạt 302 tấn. Các ngân hàng trung ương góp phần kích cầu bằng cách bổ sung 228 tấn vào các kho dự trữ, đạt mức kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý I.
Bà Louise Street, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao của WGC nhận xét thị trường vàng thế giới ba tháng đầu năm diễn biến phức tạp. Do nhiều yếu tố kinh tế và nhu cầu khác nhau, tăng trưởng ở một số khu vực bù đắp cho suy giảm ở các khu vực khác. "Điểm chung ở các thị trường chính là sự quan tâm của các nhà đầu tư đến vàng để bảo vệ giá trị tài sản trong thời kỳ bất ổn tài chính", bà nói.
Chuyên gia này dự báo nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt là khi rào cản từ USD và việc tăng lãi suất đang giảm dần. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương có khả năng tiếp tục mua vào mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực chính của nhu cầu vàng năm 2023.
"Khi một số nền kinh tế đang đứng trên bờ vực suy thoái, vai trò của vàng như một tài sản chiến lược, dài hạn có thể trở nên vô cùng quan trọng, bởi kênh tài sản này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong 5 trên tổng số 7 cuộc suy thoái gần đây", bà Louise Street nói.
Dỹ Tùng