Đầu năm 2018, FPT Software bắt đầu RPA (Robotic Process Automation - Tự động hoá quy trình bằng robot) cho một số khách hàng lớn trên thế giới. Thời điểm đó RPA trở thành xu hướng chung của quốc tế và là một trong những mảng công nghệ chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Nghiên cứu của Grand View Research, dự báo quy mô thị trường RPA ước đạt 25,56 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng kép (CAGR) là 40,6% trong giai đoạn dự báo.
"Cùng lúc, FPT dự định phát triển 100 con bot để tự động hoá quy trình. Tuy nhiên, việc mua các nền tảng của nước ngoài quá đắt mà không hiệu quả. Vì vậy nhóm bốn kỹ sư đầu tiên của akaBot quyết định tự phát triển một nền tảng tự động hoá ‘Make in Viet Nam’, do người Việt làm chủ công nghệ, để giải quyết bài toán của chính mình", ông Bùi Đình Giáp, người sáng lập akaBot nhớ lại.
Robot đầu tiên bị 40 khách hàng từ chối
Khởi đầu, akaBot có lợi thế là từng làm RPA cho các doanh nghiệp nước ngoài nên nắm được kiến thức và nền tảng. Thông thường để làm được một con bot, nhóm kỹ sư khoảng 4 đến 5 người phải mất 6 đến 9 tháng. Tuy nhiên chỉ trong ba tháng, akaBot đã là xong robot đầu tiên và triển khai trong nội bộ tập đoàn FPT. "Con bot đầu tiên khá đơn giản, nhưng đã đọc được các file excel và tự động nhập dữ liệu lên hệ thống web. Sau khi làm được sản phẩm đầu tiên, thách thức đặt ra là làm sao tìm được khách hàng bên ngoài đầu tiên", người sáng lập akaBot chia sẻ.
So với việc làm một con robot, việc đi tìm khách hàng, thuyết phục họ sử dụng nền tảng tự động hoá khó hơn rất nhiều. Sau ba tháng đi chào hàng, akaBot bị 30 - 40 doanh nghiệp từ chối. "Khách hàng khi đó chưa quan tâm quá nhiều đến công nghệ, họ cũng không biết sản phẩm này làm được gì cho doanh nghiệp. FPT Software lúc này vẫn là công ty non trẻ, nhiều người lo lắng hôm nay làm xong, ngày mai mình có còn ở đó để bảo hành cho họ không", ông Giáp kể.
Sau khi liên tiếp bị từ chối, akaBot quyết định chuyển từ bán sản phẩm sang bán nghiệp vụ. Thay vì nói chuyện về các tính năng của robot, nhóm cho khách hàng thấy nếu tự động hoá, doanh nghiệp có thể tiết kiệm bao nhiêu nhân sự, tiền bạc. Giá để RPA là bao nhiêu, trừ đi chi phí, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được bao nhiêu.
Đến tháng 9/2018, akaBot thuyết phục được khách hàng đầu tiên sử dụng sản phẩm của mình. Đó là một ngân hàng Nhật Bản tại Việt Nam.
Từ 'Make in Viet Nam' vươn ra thế giới
Giải pháp đầu tiên akaBot bán được là lệnh tự động quá quy trình chuyển tiền trong ngân hàng. Đây cũng là ca khó nhất mà nhóm từng triển khai. "Khó là vì đây là khách hàng đầu tiên, tất cả quy trình đều mới. Khó tiếp theo là khi đó định kiến về robot cướp đi công việc của người lao động còn rất lớn. Ngoài ra, ngân hàng của Nhật rất nghiêm ngặt trong quy trình cấp phép truy cập vào hệ thống", ông Giáp kể.
Vì là dự án đầu tiên nên toàn bộ nhân sự của công ty đều dồn hết về đây. Tuy nhiên, hệ thống của ngân hàng quá cũ, khó tương tác, dẫn đến một vấn đề phát sinh mới là nếu triển khai theo mong muốn của hàng, có thể phá vỡ kiến trúc, định hướng sản phẩm ban đầu. "Mọi người phải cân nhắc, đặt lên, để xuống rất nhiều lần để lựa chọn là có nên đánh đổi hay không. Vì nếu mải chạy theo khách hàng, có thể sẽ đánh mất bản sắc của mình", người đứng đầu dự án kể lại.
Theo ông Giáp, khó khăn tiếp theo khi triển khai tự động hoá là "khách hàng thường muốn rất nhiều thứ, có những thứ khả năng dùng đến rất thấp, thậm chí không bao giờ, nhưng họ vẫn muốn đưa vào. Từ đó, hệ thống trở lên cồng kềnh, tốn kém, thậm chí có thể hỏng hoàn toàn".
Lúc này các kỹ sư phải mất thêm một công đoạn, trình bày cho khách hàng thấy nếu thêm tính năng này vào, chi phí bị đội lên bao nhiêu, thêm những rủi ro gì và có thật sự cần thiết không. Sau ba tháng lập trình, sắp xếp lại hệ thống, thuyết phục khách hàng, đào tạo nhân viên, hệ thống tự động hoá của akaBot bắt đầu vận hành. Về sau, hệ thống này trở thành hình mẫu để đội triển khai đến 50 khách hàng khác ở trong và ngoài nước.
"Vì đặt mục tiêu ngay từ đầu là hướng đến thị trường toàn cầu, các quy trình, tiêu chuẩn của akaBot đều hướng đến chuẩn quốc tế, có tính linh hoạt cao, đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường", đại diện akaBot chia sẻ. Từ một khách hàng ban đầu, akaBot hiện là đối tác chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Nền tảng tự động hoá Make in Viet Nam trải trên nhiều lĩnh vực từ tài chính, bán lẻ đến ngân hàng, y tế...
Đầu tháng 12, akaBot trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam được Gartner (Tổ chức uy tín toàn cầu về việc giới thiệu các sản phẩm chất lượng dựa trên đánh giá của doanh nghiệp, người dùng), đưa vào danh sách "Peer Insights", cùng 20 hãng hàng đầu thế giới, như UIPath, Automation Anywhere, Blue Prism.
Ngày 23/12, akaBot giành giải Sản phẩm số xuất sắc trong cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát động.
Trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, akaBot trở thành "cứu cánh" của nhiều doanh nghiệp, giúp tiết kiệm nhân sự, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và tạo đà phục hồi cho sự phục hồi khi dịch bệnh qua đi.
Kỷ nguyên robot giúp việc cho con người
Việc đưa robot vào thay thế những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán, dành thời gian cho những việc sáng tạo hơn. Nhưng nó cũng khiến không ít người lao động mất việc. Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, người sáng lập akaBot cho rằng: "Đây là xu thế tất yếu. Nhưng robot lấy đi công việc thì chúng cũng sẽ tạo ra một lớp công việc mới".
Ông Giáp ví dụ, khi các xưởng dệt đưa máy móc vào thay thế con người, nhiều người bị mất việc nhưng cũng nhiều người tìm được công việc mới là chuyển sang vận hành máy móc. Tự động hoá cũng tạo ra một nhóm công việc mới là những người vận hành robot. "Những người sắp đối mặt với tự động hoá nên coi đây là cơ hội. Càng tiếp xúc sớm với robot, phần mềm, chúng ta càng có thời gian để thích nghi, chuyển đổi thậm chí gia nhập vào nhóm thiết kế, vận hành, làm chủ công nghệ", ông Giáp nói.
Theo kỹ sư của akaBot, những người nhanh, chỉ mất khoảng một tháng là chuyển đổi kịp. Lâu nhất là ba tháng, một nhân viên bình thường, không có chuyên môn về công nghệ có thể học, lập trình và điều khiển một con bot.
So với trước đây, việc lập trình giờ đây đơn giản hơn rất nhiều, xu hướng "low-code" hoặc thậm chí "no code" cho phép những người không có kiến thức sâu về công nghệ cũng có thể tạo và làm chủ các thao tác tự động hoá.
"Theo quan điểm của tôi, robot không cướp đi công việc của con người. Nó chỉ giúp phân hoá, sắp xếp lại công việc. Ở mức vĩ mô, nó thay thế một nhóm lao động những nó cũng tạo ra một lớp công việc mới là những người bảo trì, vận hành, lập trình robot cho doanh nghiệp", ông Giáp khẳng định.
Khương Nha
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với sự đồng hành của Viettel, FPT, BKAV, VinBrain, Be Group, TPBank, Asanzo, QTSC Software, CMC, MISA, FSI và MobiFone.