Sử dụng điện thoại di động trở thành thói quen phổ biến của người Việt trẻ, đặc biệt những người làm văn phòng, công sở. Thói quen này không chỉ tồn tại ở nơi làm việc, quán cafe mà tới cả khi lái xe. Dùng điện thoại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xao nhãng cho tài xế, dẫn tới va chạm giao thông, theo kết quả nghiên cứu của Ford Việt Nam.
Hãng này cho biết, có khoảng 87% người trẻ Việt thừa nhận mất tập trung khi lái xe, chủ yếu do dùng điện thoại và xao nhãng bởi người đi đường. Có 38% tài xế không thể bỏ thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe, với mục đích để gọi điện cho bạn bè, nhận cuộc gọi và email công việc hoặc để giết thời gian khi tắc đường, chờ đèn đỏ. Thậm chí, 17% số người được khảo sát thừa nhận dùng điện thoại vì quá chán, không có việc gì để làm.
Khi sử dụng điện thoại, tài xế bị cuốn vào những thông tin trên màn hình mà không để ý tới luồng xe cộ xung quanh, do đó không thể làm chủ tình hình. Ví dụ nếu đang chạy xe ở tốc độ 100 km/h, tài xế cúi đầu gửi tin nhắn mất 10 giây thì xe đã chạy gần 300 m mà không hề biết có gì trước mặt. Kể cả khi nhận biết được tình hình, thời gian để kịp đọc tình huống và xử lý cũng giảm đi nhiều.
Bên cạnh điện thoại di động, một số nguyên nhân khác khiến tài xế Việt hay mất tập trung khi lái xe là "xao nhãng bởi người đi đường", trang điểm, ăn uống, quá mải nói chuyện với người đi cùng.
Nhận biệt sự nguy hiểm này, nhưng phần lớn lái xe trả lời vẫn coi đó là việc bình thường và "khó để thay đổi". Một lý do nhiều người cho rằng tài xế hay sử dụng điện thoại di động là do các mức phạt với hành vi này chưa mạnh mẽ, không đủ tính răn đe và hy vọng sẽ tăng mức phạt thêm nghiêm khắc.
Minh Hy