Chị Giang Thị Kim Yến (36 tuổi, TP HCM), một tình nguyện viên đã dành 6 tháng dọn rác khắp mọi miền đất nước. Để hưởng ứng trào lưu #trashtag, ngày 11/3, chị đã đăng tải 2 tấm ảnh trước và sau khi nhặt rác tại biển Vĩnh Lương, Nha Trang.
Bức ảnh chị đăng ngày 20/2 chỉ vài giờ sau đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên nhiều diễn đàn.
"Rác thải làm mình thấy khó chịu, đến những nơi đẹp nhưng toàn rác, mình phải bắt tay vào dọn. Dù đi nhiều nơi nhưng không phải chỗ nào cũng có thể chụp ảnh được vì địa hình nguy hiểm, ví dụ Đà Lạt, Phan Thiết...", chị Yến chia sẻ.
Hoạt động nhặt rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang từ 14 đến 20/2 vừa qua là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay mà chị Yến cùng người bạn ngoại quốc Harrie Yelrek (thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Scuba) phối hợp tổ chức. Để có được số lượng tình nguyện viên đông đảo từ học sinh, sinh viên, công chức nhà nước đến khách du lịch, họ phải đi từng trường học, công sở và các khách sạn để vận động. Sau khi làm sạch môi trường, họ được ủy ban xã hỗ trợ chi phí cào rác và chở rác đúng nơi quy định.
"Mình có sở thích chụp ảnh trước và sau khi dọn rác từ rất lâu, nhưng không nghĩ một ngày nó trở thành một trào lưu toàn cầu như vậy. Nhiều người nói mình khùng điên, vì nhặt xong rồi người ta cũng xả lại thôi. Nhưng dù sao đi nữa thì mình vẫn chiến đấu", chị Yến bày tỏ.
Không có 'thâm niên' dọn rác như chị Yến, lần hưởng ứng phong trào này là lần đầu của Nguyễn Chí Linh (18 tuổi, nhân viên khách sạn tại Phú Quốc). Sáng 12/3, một mình Linh đã thu được 8 bao rác trong khu dân cư ở xã Dương Tơ (Phú Quốc, Kiên Giang). Để chứng minh là mình nghiêm túc, cậu đã quay một đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình thực hiện. Sau vài tiếng đăng tải, bài viết của Linh đã nhận được hơn 1.000 lượt thích.
"Em đã đến đây làm việc được 2 tháng rồi nhưng thấy đống rác ở khu này vẫn y nguyên, có lẽ không có người dọn dẹp. Tranh thủ được một ngày nghỉ, em đã một mình bắt tay vào xử lý đống rác này", Linh cho biết.
Linh cho rằng trào lưu này không tốn nhiều thời gian, công sức, chỉ cần người tham gia thực sự nghiêm túc thực hiện. Đó cũng như một hình thức giải trí và rèn luyện sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng.
Cùng ngày 12/3, anh Dương (27 tuổi, Đà Nẵng, công nhân nhà máy cao su), từ 5 giờ sáng đã một mình chạy xe máy lên đèo Hải Vân để tìm rác. Vì là nơi nhiều người lui tới nên trên đỉnh đèo thường xuyên tồn đọng bao bì, đồ ăn.
Sau khi dành hơn một tiếng để nhặt hàng trăm bao nilon và vỏ bia, anh cho rác lên xe máy chở xuống lưng đèo cách đó 5 km.
"Nếu ai cũng nghĩ 'người ta ăn xong xả rác đấy, mắc mớ chi tôi đi dọn cho họ' thì trào lưu này sẽ không phát triển được. Nhưng mình chỉ nghĩ đơn giản, Đà Nẵng cũng là nhà của mình, ai chả muốn nhà sạch sẽ, thế nên mình phải hành động thôi", anh Dương nói.
Dương cho biết thêm, việc đi đến những địa điểm du lịch để dọn rác cũng là cho bản thân đi tham quan, ngắm cảnh đẹp. Sau khi dọn dẹp xong, anh tự thưởng cho mình một ly cà phê trên đỉnh đèo xanh mát.
Thách thức #basurachallenge hay còn có tên #trashtag nổi lên từ vài ngày trước. Thách thức yêu cầu người tham gia phải dọn rác một cách nghiêm túc và chụp ảnh lại.
Thách thức này bắt nguồn từ một bức ảnh của Yunes (Tây Ban Nha) chụp ảnh trước và sau khi dọn rác. Một người Mỹ tên Byron Roman ngày 5/3 đã xin ảnh của Yunes để chia sẻ trên mạng xã hội, bức ảnh bất ngờ được hơn 300.000 lượt chia sẻ và 100.000 lượt thích. Ông Roman cho biết, sau đó đã có rất nhiều người từ khắp thế giới nhắn tin cho mình, khoe những bức ảnh trước và sau khi nhặt rác để đáp lại lời thách thức.
Trọng Nghĩa