Đoàn chúng tôi đi dạo giữa rừng tuyết trắng trời. |
Czech cũng là nơi vẫn còn đông dân cư ngày trước theo xã hội chủ nghĩa sinh sống, nên lần nào đến đây tôi cũng có cảm giác như về nhà mình vậy.
Chúng tôi khởi hành vào tầm trung tuần tháng một, vì đây là thời điểm giá khách sạn đồng loạt giảm. Thời tiết thì nhờ "giời", còn tài chính do câu lạc bộ (CLB) chi tiền xăng xe, số còn lại các thành viên tự đóng góp.
Đoàn chúng tôi không lập chương trình cụ thể, tùy cơ ứng biến theo kiểu "vui đâu chầu đấy". CLB chỉ có 5 thành viên, do chủ nhiệm là anh Mạnh Cường làm trưởng đoàn, số còn lại đều là phó đoàn. Sang đến Czech, đoàn chúng tôi có thêm một thành viên nữa nhập hội cùng là võ sư Phạm Vũ Quang. Hiện anh dạy võ cho trường quốc tế tại Praha mà các võ sinh đều là người nước ngoài, dù anh sang Czech chưa lâu. Đoàn còn có một "người mẫu" U50! Thế là có nếp, có tẻ!
Sau khi vượt qua biên giới giữa Đức và Czech, chúng tôi vào thẳng Trung tâm Thương mại Sa Pa do người Việt làm chủ mà đã nhiều lần được nghe kể. Cách trung tâm gần một km, chúng tôi đã thấy biển hiệu của Sa Pa nổi bật trên nền trời. Tự nhiên trong lòng chúng tôi trào dâng niềm vui khó tả. Đó dường là niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, khi ở nơi xa vạn dặm được ngắm nhìn dòng chữ Việt lồng lộng trên bầu trời. Đó cũng là "cái máu" sẵn có trong mỗi người xa xứ khi có bất cứ sự kiện cộng đồng nào.
Vào tới khu chợ đầy tuyết trắng, nhìn thấy những đồng hương của mình lúi cúi bên sạp hàng dưới tiết trời -5 độ C mà lòng chúng tôi không khỏi xót xa. Họ kiếm đồng tiền vất vả, chúng tôi cũng vậy, cũng kiếm từng đồng, tiết kiệm từng xu.
Tự nhiên tôi ao ước những hình ảnh này được chiếu trên truyền hình Việt Nam để người thân họ đang ở nơi quê nhà được nhìn thấy mà cảm thông, mà không chê này chê nọ khi nhận tiền, nhận quà gửi từ bên này về. Chia tay Trung tâm Thương mại Sa Pa, lòng chúng tôi nặng trĩu.
Praha ẩn mình trong tuyết và cái lạnh thấu xương, nhưng những ngọn tháp nhọn vẫn vươn lên bầu trời như chí khí của người dân nơi đây. Thành phố này được coi là thiên đường của những tháp chuông. Trải qua bao năm tháng, dường như hòn tên mũi đạn vẫn phải dè chừng nơi này, để rồi thế hệ mai sau mãi mãi được chiêm ngưỡng công trình kiệt tác kiến trúc vĩ đại do bàn tay, khối óc cha ông tạo dựng, vun đắp.
Dù mục đích của chuyến đi này không phải là tìm hiểu về tâm tư, tình cảm của người dân nơi đây, nhưng những sự tình cờ lại trở thành kỷ niệm khó quên cho chúng tôi. Khi chúng tôi dừng lại bên lề đường để bấm máy chụp những chú bò đang đủng đỉnh dạo tuyết, xe đỗ hơi quá lề nên bị sa lầy. Mấy anh em xúm lại "tác chiến", vừa lấy đà vừa hô "dô ta... dô ta..." như kéo xe bò vượt dốc, nhưng đẩy mãi bánh xe vẫn quay tròn.
Bỗng có một người phụ nữ Czech đi ngang qua, thấy chúng tôi đang mắc kẹt liền dừng xe lại và gọi điện cho người thân lấy xe nhà mình ra kéo hộ. Khi xe chúng tôi được kéo ra vị trí an toàn, chưa kịp chụp ảnh chung làm kỷ niệm, người phụ nữ nọ đã lên xe đi mất. Chiếc xe của bà chạy bon bon về phía làng nhỏ đang im lặng ngủ trong tuyết.
Chúng tôi tự hỏi trên trái đất này còn có bao nhiêu những tấm lòng nhân hậu như vậy? Chúng tôi thầm biết ơn họ đã giúp đỡ những người lạ như mình, chân thành và bao dung hiếm có. Người xưa bảo rằng "qua cơn hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau", lúc này chúng tôi càng thấy ý nghĩa của câu nói mà người đời đã đúc kết lại.
Nơi đến tiếp theo của đoàn là ngôi làng ra đời từ năm 1240, có tên gọi Cesky Krumlov. Làng có hơn 13.000 người, nằm trên sườn núi có độ cao gần 500 m so với mực nước biển, có con sông nhỏ uốn lượn tạo nên phong cảnh hữu tình như tranh. Đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Vừa dừng chân, võ sư Quang đã trao cho mỗi người một vại bia tươi gọi là "khai vị" và lấy lại khí thế khi vừa vượt qua chặng đường gần 600 km. Nếu bạn cầm trong tay vại bia tươi chính hiệu của Czech và cùng bạn bè nâng cốc trong tiếng chuông nhà thờ rền vang bên thung lũng, bạn mới có thể thưởng thức hết hương vị thần tiên của thứ bia nổi tiếng Tiệp Khắc này.
Chúng tôi dự định chụp ảnh vào lúc chập choạng và buổi sáng ngày hôm sau, nhưng mải thưởng thức bia nên gần 22h bắt đầu tác nghiệp. Trời hơi tối, không còn khoảnh khắc đẹp nữa, nhưng bù lại chúng tôi có những vại bia thơm mùi men của người thiếu nữ Czech phục vụ đến tận bàn với nụ cười tươi rói.
Biết chúng tôi là người Việt Nam, cô ngỏ ý muốn học tiếng Việt. Ngay lập tức, tôi dạy cô ấy "chú chào cháu, cháu chào chú". Căn phòng bỗng chốc trở nên sinh động như ở quê nhà với những câu chào tiếng Việt lơ lớ.
Những lâu đài, tháp chuông, những mái nhà nhuộm tuyết trắng ẩn hiện sau những nhành cây là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai đến nơi đây. Đang loay hoay chụp, thả hồn vào những nhịp cầu bắc nhịp xa xa, tôi chợt thấy một thiếu nữ đi tránh ra phía sau để không làm phiền người chụp. Tôi nhìn lại cảm ơn và người thiếu nữ cũng tươi cười, vẫy tay chào.
Chia tay Czech trở về Đức, chúng tôi mấy lần phải dừng xe lại bên đường để chớp lấy những cảnh sắc làm say lòng người. Thấy "hoa hậu" của đoàn đang hứng tuyết, một thi sĩ trong đoàn nổi hứng ứng khẩu:
Vời vợi xa trông trắng cánh đồng
Ngập trong giá lạnh giữa mênh mông
Giơ tay em hứng bông hoa tuyết
Khao khát nắng vàng mãi ngóng trông.
Chúng tôi về Berlin muộn so với dự tính nhưng cả đoàn đều vui. Ai cũng hân hoan bởi có thể ảnh chụp chưa được đẹp, nhưng được biết thêm một miền đất mới. Những con người và hình ảnh đất nước Czech đẹp mãi trong ký ức về chuyến đi.
Thế Sáng
Chia sẻ cuộc sống ở nước ngoài của bạn tại đây hoặc về địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com. Độc giả vui lòng gửi ít nhất 6 ảnh và chú thích bằng tiếng Việt có dấu.