Bạn tôi, một cô gái lành tính hôm qua lần đầu tiên làm một việc mà cô ấy cho là "đanh đá". Cô viết tờ giấy với nội dung "Để xe vô ý thức" dán lên yên một chiếc Air Blade. Chiếc xe nằm chắn lối đi chính của hầm công ty, khiến một hàng dài phía sau không thể tiến vào chỗ để. Một em bảo vệ đang xếp xe gần đó phải chạy đến dắt chiếc xe đi chỗ khác. Cô ấy chụp ảnh biển số, vị trí xe và gửi cho tờ báo nội bộ của công ty. Tôi cho đó là một sự nhắc nhở cần thiết, để những người sau biết mà tránh.
"Hầm để xe của một công ty hàng đầu Việt Nam mà vẫn có những người vô ý thức", cô ấy nói với tôi.
Thật ra, dù làm ở doanh nghiệp hàng đầu, hay là một công ty nhỏ, bạn vẫn có thể gặp những cảnh lộn xộn thành quen mắt. Toà nhà nơi chúng tôi làm việc chưa dùng vé từ. Thế nên mỗi sáng, thay vì quẹt thẻ thì có bốn hàng bảo vệ với bốn hộp vé trên tay. Nhân viên đọc số và bảo vệ lấy vé. Đầu tiên, bạn chuẩn bị qua cửa lấy vé thì một xe khác chen lên, không thèm xếp hàng. Nếu chưa nhanh tay cầm lấy vé sẽ dễ nghe tiếng còi râm ran phía sau. Vừa cầm được vé, đang định đi thẳng vào lối gửi xe thì bạn bị một chiếc Lead tạt đầu. Có lần, tôi đã đuổi theo người đàn ông làm cùng toà nhà chỉ để hỏi vì sao không thể chờ người khác một chút mà lại tạt đầu như thế? Anh ta giả điếc, đi thẳng vào trong thang máy.
Những tình huống đó bạn trải qua hàng ngày ở trên đường. Xuống đến hầm gửi xe nơi làm việc, người ta vẫn hành xử y chang khi tham gia giao thông trên mặt đất.
Tệ nhất là nhiều người dựng những chiếc xe ga to và nặng ngay giữa lối đi. Họ mặc định rằng xếp xe vào hàng là công việc của bảo vệ. Ai đó muốn lấy xe ra ngoài giữa buổi thì gần như "chịu chết". Lối ngang, lối dọc đều bị xe cộ bít lối, như kiểu thập diện mai phục. Do đặc thù công việc, đôi khi chúng tôi đi hội thảo ở ngoài, về đến cơ quan vào gần trưa. Khi đó thì hầu như hầm không còn chỗ. Nhiều người phải quay lên mặt đất, gửi ở chỗ trông xe có tính phí.
Hầm để xe là nơi thấp nhất của công sở. Nhưng cái cách mà người ta dựng một chiếc xe, đôi khi lại phản ánh ít nhiều tính cách con người, văn hoá nơi làm việc.
Độc giả Hồng Hoàng