Kết quả trên được nêu trong báo cáo Wealth Expectancy 2022 của ngân hàng Standard Chartered vừa công bố. Báo cáo nghiên cứu những thay đổi trong các quyết định đầu tư của hơn 15.000 người thuộc phân khúc thu nhập trung bình, cao và có giá trị tài sản ròng cao (high net worth) tại 14 thị trường, trong đó có Việt Nam...
Nhìn chung, 80% các nhà đầu tư trong nước đang chủ động quản lý tài sản và thay đổi chiến lược đầu tư trước những thách thức kinh tế hiện nay. Trong đó, lạm phát (36%), nguy cơ suy thoái kinh tế (21%) và biến động của kinh tế thế giới (18%) là những lo ngại chính.
Năm nay, vàng tiếp tục là kênh được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm, với 57% người tham gia cho biết họ đầu tư vào kim loại quý do tình hình lạm phát. Ngoài ra, gần một nửa nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu giá trị và 44% quan tâm đến trái phiếu.
Ngoài các kênh truyền thống, khảo sát cũng cho thấy 73% các nhà đầu tư trong nước vẫn tin rằng các tài sản kỹ thuật số chiếm phần quan trọng trong bất kỳ danh mục đầu tư nào, mặc dù thị trường này phải đối mặt với nhiều vấn đề trong năm 2022. Trên thế giới, 66% nhà đầu tư nắm giữ tài sản kỹ thuật số, trong khi đó ở Việt Nam tỷ lệ trên lên tới 80%. Với con số này, Việt Nam nằm trong nhóm những nước có nhà đầu tư tham gia nhiều nhất vào kênh này, cùng với Nigeria (90%), Thái Lan (80%) và Indonesia (80%).
Nhìn về tương lai, gần ba phần tư người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào các tài sản kỹ thuật số năm 2023. Trong đó, 41% các nhà đầu tư cho rằng đây là cách tốt để đa dạng hóa danh mục đầu tư và 33% nhà đầu tư nhận thấy nhiều người kiếm được lợi nhuận đáng kể từ kênh này. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Standard Chartered được thực hiện trước khi sàn giao dịch FTX phá sản và các sự kiện diễn ra trong vài tuần qua có thể làm ảnh hưởng tâm lý này.
Nói về sự dịch chuyển trong đầu tư tại Việt Nam, ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ, Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng với sự phát triển nhanh của thị trường vốn, các nhà đầu tư tại Việt Nam, nhất là những người thuộc phân khúc thu nhập cao, ngày càng có sự am hiểu, kiến thức chuyên sâu và yêu cầu khắt khe hơn đối với các khoản đầu tư.
"Những diễn biến gần đây trong lĩnh vực trái phiếu tư nhân, biến động trên thị trường vốn và lạm phát gia tăng đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dịch vụ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp tại Việt Nam", ông nói.
Trong năm ngoái, các nhà đầu tư Việt được khảo sát đã có những thay đổi về tài chính. 26% đưa ra những quyết định mới về danh mục đầu tư, trong khi có khoảng 25% chọn cắt giảm chi tiêu. Theo Standard Chartered, đây là những lý do chính dẫn đến sự dịch chuyển trong các lớp tài sản chính.
Ngoài ra, để có kết quả đầu tư cao hơn tỷ lệ lạm phát, 62% các nhà đầu tư tìm cách giảm nắm giữ tiền mặt, không quá chênh lệch với mức 61% chung của thế giới. Ngân hàng này dự báo lượng phân bổ tiền mặt toàn cầu sẽ giảm từ 26% trong năm 2022 xuống 15% năm nay.
Không chỉ tiền mặt, các nhà đầu tư cũng đang xem xét lại việc nắm giữ cổ phiếu trước sự gia tăng của biến động thị trường, dù đây vẫn là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư. Theo khảo sát, trong số những người đang đầu tư vào cổ phiếu, tỷ lệ phân bổ cổ phiếu trong danh mục đầu tư tại Việt Nam sẽ giảm từ 10,9% xuống 7,5% trong năm 2023.
Ông Marc Van de Walle - Giám đốc toàn cầu Quản lý tài sản, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: "Điều quan trọng là nhà đầu tư cần đưa ra những quyết định phù hợp với cả mục tiêu của bản thân cũng như môi trường bên ngoài. Chúng tôi tin rằng danh mục đầu tư đa dạng với các chiến lược nhằm tạo thu nhập từ nhiều loại tài sản mang đến những cơ hội tốt nhất hiện nay".
Tất Đạt