Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Dũng từng tư vấn triển khai blockchain ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh, cố vấn cho các dự án đào tạo blockchain, chuyển đổi số, Fintech... Ông nhìn nhận trào lưu metaverse (vũ trụ ảo) trên thế giới hiện không có định nghĩa cụ thể. Mỗi đơn vị đang tìm cách nhìn nhận, định nghĩa theo cách riêng, tạo thành bài toán khác biệt. Các ngành xe hơi, kinh doanh hàng hiệu, bất động sản, giải trí, giáo dục, sức khỏe... đang có những cách hoạt động khác nhau trên mateverse.
Vào ngày 29/10, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook chính thức đổi tên thành Meta. Động thái này khiến nhiều người quan tâm hơn đến các dự án vũ trụ ảo hiện nay.
Facebook mô tả, metaverse là một tập hợp không gian ảo, nơi người dùng có thể tương tác và kết nối với người khác dù cho họ không cùng một không gian thực tế. Công ty này nhận định "metaverse là tương lai".
Microsoft cũng đang nghiên cứu về mô hình này. Grayscale cho rằng metaverse vẫn còn trong "giai đoạn sơ khai" nhưng ước tính doanh thu trong tương lai có thể lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, thị trường đã bắt đầu tạo ra những hợp đồng kỷ lục với trị giá hàng triệu USD.
Hiện, cộng đồng blockchain và metaverse Việt Nam đã tiến hành triển khai nhiều dự án trong nước hoặc hợp tác nước ngoài.
Người Việt đang tạo ra hàng tỷ USD trên metaverse
Theo ghi nhận của ông Dũng, tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 600 dự án tokenize do người Việt Nam phát triển ra thế giới. Tại Việt Nam, metaverse được biết đến nhiều qua nền kinh tế trong game, tổng giá trị vốn hóa các game này đã lên đến hàng chục tỷ USD.
Mới đây, nhóm người Việt phát hành một tựa game cung cấp những con tướng có giá trị được bản quyền số hóa, tạo thu nhập cho người chơi. Tổng giá trị vốn hóa game lên đến hàng trăm triệu USD.
Cuối tháng 12 có chương trình tập thể dục trên thế giới ảo, chạy trên app, đưa mô hình metaverse gần gũi hơn . Nhiều đơn vị khác đã xây dựng phòng tranh, viện bảo tàng số hóa 3D, đưa sản phẩm Việt không gian này để mọi người có thể tham quan, chọn mua. Thậm chí triển lãm hội chợ du lịch, đồ gỗ cũng đã xây dựng showroom 3D nhằm liên kết mọi nơi thế giới...
Hana Gold - xưởng sản xuất trang sức từ Cần Thơ, cũng xây dựng showroom trên thế giới ảo, để mọi người mua hàng trang sức và bản quyền thiết kế trực tuyến.
Nhiều dự án tại Việt Nam đã nhận được đầu tư mạnh mẽ để phát triển. Thị trường trong nước có thể trở thành một trung tâm (hub) có lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
"Metaverse là thế giới tưởng tượng không biên giới. Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng đểu có thể là một metaverse và cạnh tranh theo cách của họ", ông Dũng nói.
Hút đầu tư, tạo nguồn thu từ vũ trụ ảo
Ông Dũng nhấn mạnh, sản phẩm trên thế giới ảo do người Việt Nam sản xuất so với các nước khác không hề kém cạnh. Nhiều công ty thời trang đã thiết kế các mẫu mới; bất động sản cũng thiết kế nhà đẹp bán... thế giới tưởng tượng đang tung ra hàng loạt sản phẩm dịch vụ song hành đời thực.
"Trong hệ sinh thái ảo hiện tại, cơ hội làm việc, phát huy trí tuệ của mỗi cá nhân đều bình đẳng toàn cầu. Nhiều người Việt ngồi đâu đó trong căn hộ ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Ninh... nhưng sản phẩm của họ đang tham gia mua bán trên mateverse toàn cầu với giá trị cả triệu USD", ông Dũng khái quát.
Chính vì lẽ đó, bài toán hiện nay là làm sao để cộng đồng người Việt có thể sáng tạo, kiếm tiền, xây dựng nên công nghệ quốc gia phát triển, thu hút vốn từ khắp thế giới một cách công khai minh bạch.
"Hiểu về vũ trụ metaverse, quản lý với các quy định rõ ràng để không ảnh hưởng hoạt động hàng ngày, tạo vùng trũng thu hút đầu tư, đó chính là nguồn doanh thu hàng trăm, hàng triệu, hàng tỷ USD đang ở trước mắt. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia đang nghiên cứu làm cách nào thu tiền về cho địa phương hiệu quả nhất. Vì không có quy định sẵn nên Việt Nam đang đứng ngang hàng với tất cả quốc gia khác trên metaverse", người đứng đầu VECOM nói thêm.
Minh Huy