Không mua xe sang vì khó... bán lại
Tại thị trường Việt Nam, các dòng xe sang chịu không ít thiệt thòi bởi hiện nhiều xe có mức giá không quá cao so với xe bình dân nhưng tâm lý chuộng hàng Nhật, cho rằng xe Nhật "ăn chắc, mặc bền" và một số "tin đồn" khi sử dụng khiến xe sang đôi khi bị lép vế một cách vô lý.
Trên một số diễn đàn về xe, nhiều người đem so sánh các dòng xe sang của Mercedes, BMW, Audi với các dòng xe ở hạng thấp hơn của Toyota. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Những người nghiêng về lựa chọn hãng xe Nhật cho rằng dòng xe này ít hỏng hóc, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng rẻ hơn và quan trọng là xe không mất giá nếu bán lại.
Điều này cũng dễ lý giải, bởi việc chỉ dừng lại ở các tính năng cơ bản khiến chiếc xe ít phát sinh các chi tiết cần điều chỉnh, sửa chữa hay thay thế. Thêm vào đó chất lượng phụ tùng ở mức trung dẫn tới chi phí cũng tương đương. Xu thế chung của người Việt thường đổi xe sau một vài năm (trung bình là 5 năm) dẫn tới việc cân nhắc tới mức giá khi bán lại. Xét về điểm này thì Toyota có ưu thế hơn hẳn trên thị trường, còn BMW được xem là hãng xe có những mẫu xe đời cũ giá giảm mạnh nhất.
Dù không phải là vấn đề chính khi cân nhắc lựa chọn xe, nhưng người Việt cũng có tâm lý đánh giá giá trị những dòng xe sang ở sự bóng bẩy, màu mè. Chính vì những "lời đồn" dạng này mà nhiều người ít hiểu biết về ôtô gạt các tên tuổi xe hạng sang ra khỏi lựa chọn mua bởi không đánh giá được đúng giá trị của xe. Trong khi đó, nếu đem ra so sánh chi tiết về chất lượng thì các xe sang hoàn toàn thắng thế.
Thực tế có đúng như lời đồn?
Thực tế cho thấy thường những người chưa từng sở hữu ôtô mới có cân nhắc so sánh giữa các dòng xe dựa vào giá cả như vậy. Còn đa phần những người đã nâng đời xe lên các thương hiệu hạng sang luôn luôn hài lòng và không bao giờ quay trở lại sử dụng các dòng xe bình dân. Những người nhiều kinh nghiệm hơn, từng trải nghiệm cả hai hạng xe đều cho rằng sự so sánh này quá khập khiễng, bởi so với độ an toàn, tốc độ, khả năng vận hành, tính năng... thì xe Nhật hoàn toàn "không có cửa thắng".
Về chi phí vận hành, bảo trì, có thể thử làm một phép tính nhỏ: Với xe Đức thì khoảng 8.000 - 10.000 km mới bảo dưỡng một lần, trong khi xe Nhật khoảng 5.000 km. Vì vậy, chi phí bảo dưỡng mỗi lần của xe sang cao hơn là bình thường. Tính ra, chi phí theo km vẫn tương đương. Trong 3 năm đầu, chi phí dịch vụ, bảo dưỡng của các dòng xe Đức chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng/năm - trong khả năng của nhiều khách hàng. Thêm vào đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng "đồ tốt" cần một chi phí cao hơn là điều hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, thợ sửa chữa xe Nhật có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu, nhưng với xe của Đức thì phải là thợ thực sự lành nghề đào tạo bài bản. Như vậy, xét ra chi phí không hề đắt.
Độc giả Trọng Hùng