Tác động của dịch Covid-19 tiếp tục thay đổi cách mọi người đi du lịch trong thời gian tới. Các chuyến đi nước ngoài được dự báo không chỉ thay đổi về điểm đến mà cả về loại hình. Theo đó, ngày càng nhiều người quan tâm tới việc du lịch ngắn ngày, đi theo các nhóm nhỏ và tiết kiệm hơn.
Trong cuộc khảo sát "Mức độ yêu thích du lịch" do Tổng cục Du lịch Singapore (STB) kết hợp với VnExpress thực hiện, sở thích và xu hướng du lịch sau đại dịch của du khách Việt đang dần được hé lộ.
Cụ thể, du khách Việt sẽ chọn những chuyến đi ngắn ngày đến các quốc gia lân cận. Một trong hai du khách Việt được hỏi muốn đi tới các quốc gia gần Việt Nam, trong đó ưu tiên Đông Nam Á, với hành trình kéo dài dưới một tuần. Lý do là việc chuẩn bị cho một chuyến đi quá xa và dài ngày sẽ mang tới nhiều rủi ro, thậm chí không thể thực hiện được bởi tình dịch bệnh có thể thay đổi theo cách chúng ta không thể lường trước.
Với việc nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập vì đại dịch, du khách Việt đã lưu tâm hơn đến ngân sách. Theo đó, 3 trong 4 người sẽ chọn lựa những chuyến đi với ngân sách thấp hơn hoặc tương đương các chuyến đi trước dịch. Đặc biệt, điều này càng đúng với những người đã lập gia đình. Họ có xu hướng chi tiêu ít hơn cho các chuyến du lịch trong tương lai. Kinh phí dành cho du lịch có thể chưa phải là chuyện lớn với những người độc thân nhưng việc tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch vẫn là ưu tiên của đại đa số, buộc họ phải cân nhắc. Với việc ngân sách cho du lịch sẽ bị thu hẹp, du khách Việt có thể ưu tiên lựa chọn những điểm đến "đáng đồng tiền", với các hoạt động, dịch vụ du lịch đa dạng và độc đáo để có thể tối ưu hóa trải nghiệm chuyến đi.
Sau đại dịch, do lường trước những rủi ro trong việc dịch chuyển, người Việt có xu hướng ưu tiên nhóm nhỏ, tối đa 5 người, thậm chí chỉ cần có một bạn đồng hành. Cụ thể, một trong 2 người được hỏi thích đi du lịch theo nhóm 3 đến 5 người. Và trong 10 người độ tuổi từ 20 đến 30, có 4 người muốn đi chỉ với một bạn đồng hành. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đông người dẫn tới nhiều rủi ro trên hành trình, nhiều sự tiếp xúc không cần thiết, việc bố trí chỗ ăn, ở và tham quan cũng cần lưu tâm nhiều hơn.
Du lịch là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Việc một năm có 1 - 2 kỳ nghỉ là điều nên thực hiện, giúp mọi người có được cuộc sống tích cực, tái tạo năng lượng để làm những công việc thường ngày hiệu quả. Các sở thích và xu hướng du lịch mới của du khách Việt sau đại dịch cho thấy họ đã trở nên thận trọng hơn, ưu tiên sự an toàn cho bản thân và người đi cùng, cũng như sẽ chịu khó tìm hiểu thông tin về điểm đến để tận hưởng chuyến đi một cách tối ưu nhất. Đồng thời, các xu hướng mới này cũng cho thấy người Việt đã sẵn sàng đi du lịch quốc tế trở lại trong giai đoạn sau đại dịch mặc cho ngân sách có giảm đi hay các tiêu chí lựa chọn điểm đến thay đổi, mang đến tín hiệu khả quan cho ngành du lịch quốc tế.
Mai Thương