Ông Hoàng Công Bảo Đàm, chủ tịch hội Doanh nhân người Việt ở Kiev, chia sẻ về bầu không khí những ngày này và tâm tư của bà con người Việt.
Vào ngày đỉnh điểm của cuộc biểu tình 20/2, khi những tay thiện xạ không rõ mặt bắn chết hàng chục người biểu tình, tình hình Kiev rất căng thẳng. Sau 12h trưa, nhiều cơ quan, trường học, bắt đầu đóng cửa. Bà con người Việt đang buôn bán ở các khu chợ cũng bảo nhau về nhà hết.
Khắp nơi truyền tin chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, xe tăng và quân đội sẽ kéo vào thành phố. Hệ thống tàu điện ngầm metro đóng cửa, các con đường từ các nơi khác dẫn vào thủ đô bị cảnh sát phong tỏa. Ai nấy đều cảm thấy hoảng loạn. Nhiều người dồn vào các siêu thị mua đồ ăn tích trữ, xếp hàng để đổ xăng và rút tiền mặt từ các cây ATM. Thậm chí nhiều người còn đưa gia đình ra khỏi thành phố. Đến chiều, đường phố vắng lặng như tờ. Mọi người rút hết vào nhà.
Cộng đồng người Việt ở Kiev cũng chung tâm trạng lo lắng chung đó. Một vài người còn dự định mua vé bay về nước. Những bà con kinh doanh ở chợ, bị thiếu thông tin (do không giỏi tiếng địa phương), cảm thấy hoang mang khi nghe những tin đồn khác nhau. Những người sống ở Ukraine lâu năm thì bình tĩnh hơn vì hiểu người dân Kiev ôn hòa và văn minh, nên cố gắng chờ căng thẳng trôi qua.
Trong tình hình đó, có nhiều phần tử lưu manh bất hòa từ các thành phố khác kéo lên Kiev. Để bảo đảm an ninh, người dân địa phương tự tổ chức các tổ tuần tra dân quân tự nguyện, đi tuần trong các khu dân cư.
Sang ngày 21/2, tình hình ổn định dần. Các trường học vẫn đóng cửa nhưng người lớn đi làm, hệ thống metro hoạt động. Mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Có những người vì tò mò nên đến gần quảng trường Độc lập để tận mắt chứng kiến cảnh tượng đổ nát. Các cửa hàng, trừ những nơi gần quảng trường, vẫn làm việc bình thường, lương thực và xăng vẫn đầy đủ.
Đến ngày 24/2, tất cả mọi sinh hoạt hoàn toàn trở lại nếp cũ. Người lớn đi làm, trẻ em đi học, thành phố Kiev vẫn bình yên và ngăn nắp, trừ khu quảng trường Độc Lập. Nhìn bên ngoài thì không ai có thể nói rằng đất nước này vừa trải qua một cuộc khủng hoảng khốc liệt và đổ máu.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Yanukovich gây ngỡ ngàng không những cho người Việt mà còn cả với người dân Ukraine. Riêng với Kiev, người dân không có nhiều thiện cảm với chính quyền của ông Yanukovich nên cảm giác chung là nhẹ nhõm, vui mừng. Mọi người vẫn cố gắng giữ gìn cho thành phố sạch sẽ và trật tự.
Khi lực lượng cảnh sát rút đi, cả Ukraine gần như rơi vào tình trạng không có chính quyền, nhưng hầu như không có các vụ đập phá, hôi của hay cướp bóc. Tại quảng trường, vẫn còn nhiều người và các lều trại, họ đến để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong biểu tình.
Người Việt thận trọng
Người Việt ở Ukraine không bị ảnh hưởng gì về sinh hoạt và an ninh. Rất may là người Việt không có ai bị thiệt mạng hay mất mát tài sản trong 3 tháng diễn ra biểu tình ở Kiev. Phần lớn bà người Việt sống ở đây không giỏi ngôn ngữ bản địa và cũng ít quan tâm đến chính trị.
Thời điểm cuộc biểu tình chuyển sang bạo động (giữa tháng 1), khủng hoảng chính trị đã khiến đồng bản tệ mất giá đến 15%. Người dân chậm nhận lương, người tiêu dùng lo lắng, sức mua giảm đáng kể. Điều đó khiến công việc kinh doanh của người Việt ở khu chợ Troeshino sụt giảm rất nhiều, hàng hóa hầu như không bán được.
Chính quyền lâm thời của Ukraine tuyên bố đặt mục tiêu chính hội nhập vào cộng đồng châu Âu. Người Việt vừa mừng vừa lo. Mừng là đất nước Ukraine sẽ hội nhập vào cộng đồng văn minh, luật pháp ổn định. Nhưng lo là con đường đó sẽ có nhiều khó khăn, liệu phía Nga có gây sức ép bằng các biện pháp kinh tế hay không. Hội nhập vào châu Âu thì mô hình kinh doanh chợ của bà con sẽ ra sao. Đó là chuyện lâu dài, còn mục tiêu trước mắt thì bà con mong đất nước Ukraine ổn định, tránh vỡ nợ.
Một điều nữa khiến cộng đồng người Việt lo lắng là vấn đề kỳ thị người nước ngoài. Trong chính quyền lâm thời hiện nay có một số người mang tư tưởng dân tộc cực hữu. Liệu họ có đưa ra các chính sách kỳ thị người nước ngoài hay không đang là vấn đề mà cộng đồng người Việt ở Ukraine quan tâm.
Trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, người Việt có cuộc sống rất tốt. Đa số bà con có thu nhập cao, có đủ nhà cửa, xe cộ…Sau 2008, kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề, sức mua giảm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người Việt.
Từ ngày ông Yanukovych lên nắm quyền năm 2010, kinh tế Ukraine vẫn không phát triển được. Trong các năm 2011 – 2013, tăng trưởng gần bằng không. Tình hình kinh doanh càng khó khăn hơn khi chính quyền thắt chặt, tăng thuế và gây sức ép lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nạn tham nhũng cũng gây nhiều khó khăn cho công việc kinh doanh của người Việt.
Tình hình Ukraine được dự đoán còn bất ổn lâu. Với phần lớn người Việt, vốn đã trải qua các thăng trầm của Liên Xô cũ từ những năm 1990, mọi chuyện không có gì đáng lo lắm. Nếu kinh tế ổn định thì bà con vẫn ở lại, còn nếu làm ăn khó khăn thì có thể về Việt Nam.
Những người có nhiều vốn liếng thì thay đổi phương án, đầu tư vào các lĩnh vực an toàn hơn, đầu tư về Việt Nam. Những người kinh doanh ở chợ chưa có phương án thay thế nào. Mọi người đều có tâm lý thận trọng và chờ đợi xem tình hình diễn biến ra sao.
Hoàng Công Bảo Đàm