Công việc cần tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày nên chị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội), nhân viên Marketing một công ty công nghệ vẫn dành một khoản 2-3 triệu cho việc mua sắm quần áo hằng tháng. Thay vì chọn các thương hiệu thời trang trong nước, chị Hương thường đặt hàng từ nước ngoài của các nhãn hiệu như Zara, Mango...
Theo chị không hẳn vì “sính ngoại” mà lựa chọn “order” (đặt hàng) của những hãng thời trang nước ngoài, mà bởi nếu xét về giá thì việc mua hàng xách tay cũng không chênh nhiều so với trong nước. “Các hãng thường xuyên tung ra các đợt sale (giảm giá), nên tính ra nhiều món đồ order về chỉ bằng hàng Việt Nam xuất khẩu, thậm chí rẻ hơn”, chị Hương chia sẻ. Chưa kể hàng hóa order từ nước ngoài về thường có mẫu mã giống với những gì khách hàng được thấy trên website, chất lượng sản phẩm lại tốt.
Đợt sale cuối mùa của một số hãng thời trang thời thượng nhưng được biết tới với giá bình dân như Zara, H&M, Mango, Uniqlo… vừa kết thúc, chị Oanh – nhân viên kế toán một công ty về in ấn khoe đã kịp bổ sung vào tủ quần áo của mình 8 món đồ thời trang. Chị Oanh cho hay không yên tâm khi mua hàng giảm giá ở Việt Nam vì “khó biết được giá trị thực của món đồ”. Với mức giảm giá ở các thương hiệu thời trang này trừ chi phí vận chuyển, tiền công order về Việt Nam thì giá món đồ cũng chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn nhiều so với hàng xuất khẩu, Trung Quốc.
Nếu vận chuyển trực tiếp về Việt Nam thì giá thành có thể lên cao hơn một chút nhưng chị vẫn chấp nhận. Hay để tiết kiệm chi phí mua hộ, một số bạn của chị còn nhờ chuyển đến địa chỉ nhà người thân ở nước ngoài sau đó gửi về Việt Nam theo đường xách tay.
Có thâm niên 5 năm trong nghề đặt hàng hiệu từ Đức, Tây Ban Nha, Mỹ… về Việt Nam, chị Thùy Linh (Hà Nội) tiết lộ dù là mua cao điểm sale hay không thì shop đặt hàng của chỉ luôn trong tình trạng đầy ắp đơn hàng. Hàng khách đặt chủ yếu là quần áo, giày dép… và 80% là của các hãng thời trang bình dân như Zara, Mango, Forever 21… số ít còn lại là các nhãn hiệu cao cấp.
“Mỗi chuyến hàng gửi về thường không dưới 50 kg, cao điểm vào mùa giảm giá có khi lên tới trên 100 kg. Những ngày hàng về 3-4 nhân viên cùng soạn mà vẫn “không kịp trở tay” trả cho khách”, chị Linh nói.
Lý giải việc số đông người Việt chuộng đặt mua hàng qua mạng của các hãng thời trang bình dân, đầu mối chuyên đặt hàng này cho rằng hàng hiệu bình dân nếu tính cả công, cân nặng thì nhiều món khi về tay còn rẻ hơn nhiều so với đồ hàng hiệu được nhập chính hãng. Nếu vào mùa sale có khi còn rẻ hơn cả hàng Việt Nam xuất khẩu hay Trung Quốc.
“Như một chiếc áo phông gắn mác hàng Zara hay Mango giá đặt về trên dưới 180.000 đồng một chiếc gồm cả chi phí vận chuyển, công đặt, rẻ hơn cả hàng Trung Quốc. Cùng một số tiền mua sản phẩm ngoại nhập chính hãng sẽ hợp lý hơn hàng Tàu”, chị Linh dẫn chứng. Thêm vào đó, nỗi lo sợ mua phải hàng giả, hàng nhái khiến nhiều người ngày càng có xu hướng chuộng đặt mua đồ hiệu ở nước ngoài.
Một phần vì vấn đề giá cả, một phần khác vì tính độc đáo và hấp dẫn của món hàng mà người Việt đặc biệt là giới trẻ đang ngày một yêu thích cách thức mua sắm này.
Tuy nhiên, chị Oanh cũng thành thật không ít lần chị mất công thời gian chờ hàng order về nhưng đành thanh lý lại do hàng không vừa size hoặc kiểu dáng không ưng ý. Vì thế, khi đặt hàng qua mạng đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro cao. Món đồ tưởng ngon - bổ - rẻ có thể bị vứt xó, còn người mua ngậm ngùi chịu mất một đống tiền.
Phương Thảo - một nữ nhân viên văn phòng có kinh nghiệm về đặt hàng nước ngoài qua mạng cũng không tránh khỏi những lần thất bại. Cô kể năm ngoái có đặt mua một chiếc váy Zara tại Mỹ, giá gần 60 USD (khoảng 1,2 triệu đồng). “Lần đầu đặt váy nhưng do chủ quan mình đặt nhầm size, khi đồ về bị rộng và đành phải bán lại chấp nhận lỗ 400.000 đồng mà rao gần tháng mới có người mua”.
Theo chị Oanh, để chọn mua hàng được ưng ý, người mua nên cẩn thận làm theo hướng dẫn chọn kích thước trên website, cũng như đọc kỹ phần mô tả chất liệu, đặc điểm của mỗi sản phẩm.
Còn với Phương Thảo, có kinh nghiệm sau nhiều lần đặt mua hàng online, lại cho rằng, chỉ làm theo hướng dẫn trên trang web là chưa đủ. "Mỗi khi chọn mua hàng, mình đều lên mạng tìm hiểu và đọc rất kỹ hướng dẫn, những lưu ý đặc biệt về mặt hàng đó", cô chia sẻ.
Anh Minh - Anh Tú